Làm thế nào để có những vở diễn hay, thu hút khán giả đến với sân khấu kịch? Nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng đã đưa ra một vài gợi mở về vấn đề này.
Khi viết những kịch bản về đề tài lịch sử, anh thường gặp phải những vấn đề gì?
Các câu chuyện lịch sử, các nhân vật lịch sử của đất nước ta rất hay, vô cùng đáng kính, viết được về lịch sử thì rất ý nghĩa. Người làm sân khấu hôm nay muốn thông qua tác phẩm để truyền đạt tư tưởng nhân văn, nhân ái hay một thông điệp cao đẹp thì trước hết đó phải là tác phẩm sân khấu đúng nghĩa. Tôi vẫn nói vui với anh em bạn nghề rằng, dù khán giả đang thấy thiếu những vở diễn về đề tài lịch sử, nhưng khi có vở diễn mới mà chúng ta không làm cho hay thì vẫn không có người xem đâu! Bởi lẽ hiện nay có rất nhiều người vì yêu thích lịch sử mà họ tìm hiểu rất kỹ nên am hiểu lịch sử vô cùng. Do đó, muốn kéo họ đến rạp thì vở diễn phải thực sự hấp dẫn.
Để cho tác phẩm hấp dẫn thì chắc hẳn những người viết kịch bản như anh đã phải sáng tạo rất nhiều, dụng công rất nhiều. Tuy nhiên anh có sợ rằng, nếu thay đổi nhiều quá sẽ làm giá trị về nhân vật lịch sử cũng thay đổi hay không?
Điều mà bạn vừa nói cũng chính là nguyên tắc làm việc của chúng tôi. Đối với nước ta cũng như nhiều nước khác, nhiều nhân vật lịch sử đã được huyền thoại hóa, đã được nhân dân phong thánh rồi, vậy thì hà cớ gì mà chúng ta phải lật lại thân phận và giá trị của họ. Đó là công việc không mang lại kết quả gì, thậm chí còn mang tội với tiền nhân. Vì vậy từ trước đến nay, khi chạm đến đề tài lịch sử tôi thường cân nhắc rất kỹ và sẽ chỉ sáng tạo trong những khoảng hạn định nào đó thôi.
Vậy nhưng nếu quá trung thành với nguyên gốc của những câu chuyện lịch sử thì vở diễn dễ bị khô cứng, đơn điệu. Muốn tác phẩm có được lớp lang, dày dặn, các nhà viết kịch phải sáng tạo như thế nào để an toàn, thưa anh?
Các sách về lịch sử cũng như các câu chuyện huyền sử dân gian về nhân vật của chúng ta không nhiều. Vì lẽ đó, “mảnh đất” để cho những người biên kịch như chúng tôi cày xới sẽ vô cùng rộng lớn. Giả dụ với nhân vật bà Triệu trong tác phẩm: Truyền thuyết Triệu Trinh nương tôi viết cho Nhà hát Cải lương Hà Nội. Từ những cột mốc quan trọng của cuộc đời bà, có những chỗ còn rất mờ nhạt mà sách sử không chép, vậy là tôi có thể thêm nhân vật vào tạo thêm xung đột kịch tính cho câu chuyện, đan xen các mâu thuẫn trong gia đình bà với mâu thuẫn quốc gia. Khi đó, người đọc, người xem sẽ hiểu rằng, để đảm bảo được quyền lợi dân tộc, bà Triệu Thị Trinh phải vượt lên trên lợi ích gia đình, dòng tộc, phải tạm gác nỗi niềm riêng tư để lo cho nghĩa lớn của quốc dân. Và đó cũng là điều mà sử sách đã ca ngợi. Việc sáng tạo không gây ra thay đổi gì về thân thế, cuộc đời hay phẩm hạnh của bà mà chỉ làm đầy đặn thêm, logic thêm cho những quyết sách lớn lao của người phụ nữ này khi vận nước lâm nguy. Trước sau bà vẫn là một người phụ nữ quật cường có lòng căm thù giặc, dũng cảm chiến đấu vì lẽ phải bảo vệ lợi ích của Quốc gia, dân tộc mình.
Việc hình thành tác phẩm ở khâu kịch bản trong những ranh giới nhất định có gây ra hạn chế nào với người viết, thưa anh?
Nói là không có hạn chế gì cũng không phải, nhưng chúng tôi đều biết rằng bên cạnh những dấu mốc cố định chúng tôi còn nhiều góc khác để có thể sáng tạo được! Trong suốt quá trình làm nghề, chúng tôi buộc phải quen với điều đó. Đôi khi nó là một thách thức, nhưng lúc khác lại có thể là những hạn định để chúng tôi xây dựng nguyên tắc cho chính mình. Và sáng tạo vẫn luôn là một chân trời rộng mở sẽ không bao giờ vơi cạn. Cái chính là chúng ta có chịu đào sâu suy nghĩ và tìm tòi hay không. Dù là đề tài lịch sử hay bất cứ đề tài nào, chỉ cần chúng ta chịu khó dụng công suy nghĩ, vận dụng và tìm tòi thì sẽ thấy có rất nhiều khía cạnh chúng ta sẽ sáng tạo được.
Vậy những vở diễn về đề tài lịch sử của chúng ta đang thiếu những gì?
Chúng ta làm quá nhiều những vở diễn về các nhân vật lịch sử quen thuộc, trong khi còn rất nhiều các danh thần khác được nhân dân ngợi ca lập đền thờ nhưng lại chưa một lần được xuất hiện trên sân khấu. Thực tế tôi đã nhiều lần đề xuất với các nhà hát về việc viết những nhân vật đó nhưng hầu hết họ còn e ngại. Họ sợ nếu làm vở diễn về những nhân vật như thế sẽ không có người xem mà không hiểu rằng, hạn chế nhân vật cũng sẽ làm hạn chế đối tượng khán giả. Sân khấu chúng ta có làm hàng nghìn vở diễn về cụ Nguyễn Du và cụ Nguyễn Trãi, dù vở nào cũng hay nhưng cũng làm cho sân khấu bị cũ. Hơn nữa không vì tầm ảnh hưởng của các nhân vật lớn mà lấy đi “mảnh đất” của các nhân vật lịch sử ít nổi tiếng hơn. Thực sự, tôi thấy lo ngại cho lối tư duy đó!
Xin cảm ơn anh!
Vũ Nga thực hiện