Hoàng Tấn cho biết, anh mong muốn vở diễn sẽ trở thành “tác phẩm để đời” của mình, tiếp thêm động lực cho chặng đường làm nghề tiếp theo.
Yêu thích nghề diễn như vậy, vì sao anh muốn chuyển sang vai trò mới?
Tôi khá may mắn khi vừa tốt nghiệp thì được Nhà hát Kịch Thành phố Hồ Chí Minh nhận về. NS Khánh Hoàng - Giám đốc Nhà hát Kịch thời điểm ấy - là người đỡ đầu và có sức ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Thầy còn dạy tôi về cách ứng nhân xử thế.
Vào nhà hát được 1 năm, tôi được giao nhiệm vụ đài trưởng (chỉ huy biểu diễn). Đó là thử thách, nhưng tôi quan niệm còn trẻ thì cứ làm, có sai thì sửa, có thất bại mới có thành công. Hơn nữa, khi làm nhiệm vụ một người tổ chức chỉ huy đêm diễn đòi hỏi tôi phải có cái nhìn tổng thể, bao quát. Khi dàn dựng một số chương trình nghệ thuật tổng hợp biểu diễn phục vụ chính trị, tôi thấy mình phải nâng cao hơn nữa về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, để làm tốt hơn công việc của mình. Vậy là tôi đi học đạo diễn!
Vở diễn “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” có ý nghĩa như thế nào đối với nghề đạo diễn của anh?
Vở diễn này do NS Khánh Hoàng hướng dẫn tôi hoàn thành và là vở diễn tốt nghiệp lớp đạo diễn sân khấu của tôi, đồng thời cũng là vở diễn được Nhà hát Kịch thành phố đầu tư và kỳ vọng. Tôi biết kịch bản này vào năm 2013 khi mới vào nhà hát. Cảm nhận của tôi khi đọc tác phẩm là thấy rõ từng hành động của nhân vật; đặc biệt là góc nhìn của thiếu nhi về Bác Hồ, qua đó thấy được hình tượng Bác Hồ mộc mạc, giản dị, gần gũi và luôn thương yêu mọi người. Chi tiết rất xúc động trong vở diễn là ông Ba gác rừng (DV Thanh Tuấn) hy sinh tính mạng để nhóm thiếu nhi chạy thoát sự truy đuổi của biệt kích, sau đó Non (DV Tiến Ngô) cũng hy sinh sự sống của mình cho các bạn còn lại được sống. Câu thoại: “Một cây vừa ngã xuống sẽ có cây khác đứng lên” là tư tưởng chủ đề của vở diễn được tôi tô đậm trong vở kịch.
Trong vở diễn chỉ có một diễn viên chuyên nghiệp, còn lại đều là các em nhỏ không chuyên, điều đó có gây ra sự chênh lệch về diễn xuất hay không?
Đây là bài toán lớn khi chọn diễn viên, vì đặc thù của vở diễn là nói về nhóm thiếu nhi nên không thể để diễn viên lớn hóa trang thành thiếu nhi được. Vì thế, tôi để các em nhỏ đóng vai, sau đó cho các em đi thực tế tại rừng đước Cần Giờ để các em cảm nhận đặc thù của vùng sông nước, đồng thời cung cấp cho các em một số tư liệu về thời kỳ kháng chiến để ít nhiều các em cảm nhận được không gian vở diễn. Khi bắt đầu làm việc trên kịch bản, tôi phân tích khá chi tiết cho các em về tình huống kịch và cho các em phản ứng theo lứa tuổi của mình trong từng trường hợp cụ thể. Vậy nên cũng không gây ra sự chênh lệch. Diễn viên Thanh Tuấn (vai ông Ba) có cách diễn mộc mạc, gần gũi, khắc họa rõ nét hình tượng người Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến, còn các em nhỏ thì diễn chân thật theo lứa tuổi của mình nên tất cả có một điểm chung là “thật” và “đẹp”. Đó cũng chính là điều mà nghệ thuật hôm nay nên hướng đến.
Trong vở diễn, tôi sử dụng kỹ thuật trình chiếu hologram (hình ảnh nổi 3 chiều) mang lại hiệu quả tích cực cho vở diễn. Trong kịch bản, tác giả miêu tả khá chi tiết về vùng sông nước U Minh với rừng đước bao quanh và cảnh sinh hoạt của người dân vùng ngoài ấp chiến lược. Để tái hiện trên sân khấu trọn vẹn không gian ấy và hướng đến việc khán giả tin vào câu chuyện kịch buộc lòng tôi phải áp dụng công nghệ trình chiếu hologram để thu hút người xem về cảnh rừng đước bị máy bay rải chất độc màu da cam, cảnh bơi lội bên đàn cá tung tăng và gặp tàu sắt tấn công… Tất cả được trình chiếu chi tiết, thêm vào đó là sự tương tác của diễn viên đã góp phần đưa khán giả tin vào câu chuyện với một cảm giác chân thật và sống động, hỗ trợ rất nhiều cho sự sáng tạo của diễn viên.
Nhà hát Kịch Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư 200 triệu để tôi tìm đến công nghệ trình chiếu này, tạo điểm nhấn cho vở diễn bằng cách đưa “điện ảnh vào sân khấu”. Tôi mong muốn trong tương lai Nhà hát Kịch thành phố sẽ được trang bị về công nghệ trình chiếu hologram để các vở diễn của Nhà hát có sắc màu sinh động và chân thật, góp phần kéo khán giả đến với sân khấu trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Sau vở diễn này, anh có thực hiện thêm các vở kịch mới?
Vào đầu quý II năm nay, tôi sẽ đảm nhận chương trình thiếu nhi “Phi đội K30” (phần hai). Đây là hoạt động biểu diễn sáng chủ nhật hằng tuần tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và hoàn toàn miễn phí dành cho thiếu nhi. Chương trình “Phi đội K30” (phần 1), tôi cũng đảm trách nhưng với sự hỗ trợ, giúp sức của các diễn viên Nhà hát Kịch thành phố, vì lúc ấy tôi chưa tốt nghiệp khóa đạo diễn. Vào cuối năm 2020, tôi đã hoàn tất học phần nên chương trình lần này hứa hẹn sẽ sinh động, hấp dẫn hơn vì có sự tương tác với màn led. Mảng đề tài dành cho thiếu nhi lồng ghép những câu chuyện lịch sử sẽ là hướng đi của tôi trong thời gian tới.
Vì sao anh thích dàn dựng những vở kịch dành cho thiếu nhi?
Khi nói đến thiếu nhi là nói đến sự hoạt náo, sinh động,… vì thế, nội dung phải hấp dẫn và đặc sắc. Tôi nhận thấy, thiếu nhi luôn thích khám phá nên tôi sẽ làm kịch trinh thám, giải mã vấn đề. Với kho tàng các truyện dân gian và lịch sử Việt Nam, tôi sẽ khéo léo lồng ghép vào câu chuyện kịch để hướng các em có tinh thần giúp đỡ và yêu thương người yếu hơn mình, đặc biệt là có tâm hồn cao thượng, một trái tim nhân hậu. Ngoài tính giải trí thì tính thẩm mỹ và giáo dục cần được nâng cao. Khi làm các chương trình thiếu nhi, tôi dường như được trở lại thuở ấu thơ, được chơi đùa, thả sức tưởng tượng, cùng chơi, cùng sáng tạo với ước mơ về một tương lai tương sáng. Tôi tin rằng, chương trình thiếu nhi là một điểm sáng cho các em trong một xã hội vật chất đầy cám dỗ.
“Trong xã hội vật chất đầy cám dỗ, mọi thứ đều chạy theo giá trị đồng tiền và đầy rẫy tiêu cực thì mong ước của tôi là được làm những tác phẩm cho thiếu nhi với gam màu tươi sáng, vươn đến những giá trị tốt đẹp hơn cho cuộc sống hôm nay”. - đạo diễn Hoàng Tấn
|
Xin cảm ơn anh!
Vũ Nga thực hiện