Kiên định Nguyễn Huy Thiệp

Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dù ra đời từ 30 năm trước nhưng vẫn giàu tính thời sự và đặc biệt ám ảnh.

 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021) quê gốc ở Thanh Trì - Hà Nội, nhiều năm dạy học ở vùng núi Tây Bắc. Ông là gương mặt truyện ngắn nổi bật nhất trên văn đàn thời kỳ đổi mới, với giọng điệu và phong cách riêng độc đáo, đặc sắc.

10 năm thăng hoa cùng nghiệp viết

Nếu tính từ thời điểm truyện ngắn “Tướng về hưu” xuất hiện trên văn đàn (năm 1987), Nguyễn Huy Thiệp có gần 10 năm thăng hoa cùng nghiệp viết. Ông viết khỏe, viết như trong men say được trút bỏ bao suy ngẫm, trăn trở, ẩn ức tích tụ nhiều năm tháng. Những truyện ngắn hay nhất của ông nối tiếp nhau ra đời và nhận về các luồng dư luận khác nhau: Không có vua, Con gái thủy thần, Vàng lửa, Sang sông, Những người thợ xẻ, Muối của rừng… Và dù dư luận theo hướng nào: Khen ngợi, cổ vũ hay thận trọng, chỉ trích thì không ai phủ nhận một điều rằng: Truyện ông viết rất lôi cuốn, hấp dẫn.

“Hấp dẫn” là yếu tố đầu tiên của văn Nguyễn Huy Thiệp. Và điều này hoàn toàn nằm trong chủ ý của ông, thể hiện qua xây dựng cốt truyện, cách hành văn, nhịp điệu, giọng điệu, ngôn ngữ kể chuyện, cách thể hiện tâm lý nhân vật. Những câu văn ngắn, sắc lẻm, giàu hàm lượng thông tin, được di chuyển với tốc độ nhanh. Người kể chuyện khi ở ngôi thứ nhất, khi ở ngôi thứ hai, nhưng luôn giữ thái độ trung lập, như chỉ thuật lại một cách trung thực câu chuyện mình từng trải nghiệm, từng ở trong cuộc, hoặc đơn thuần nghe qua lời kể của người khác. Đó là người kể chuyện biết tiết chế cảm xúc, không vì bênh vực hay yêu mến ai mà làm sai lệch sự thật. Vì vậy, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp luôn mang giọng điệu riêng, không giống ai trước đó cũng như sau này. Đặc biệt, vẫn là giọng điệu, là phong cách kể chuyện ấy nhưng biến hóa linh hoạt trong từng không gian: Khi trần trụi đớn đau trước hiện thực, khi ma mị phiêu linh với những huyền thoại, lúc nửa thật nửa hư ngược về những giai thoại lịch sử. Hình tượng nhân vật, thông điệp từ truyện ngắn của ông cũng được tiếp nhận đa chiều, tùy vào quan điểm sống, trình độ hay trải nghiệm của người đọc. Từ đó dẫn đến những tiếp nhận văn bản khác nhau.

Trước các luồng ý kiến khác nhau đó, Nguyễn Huy Thiệp thường im lặng. Ngay cả khi các phản ứng trái chiều bùng nổ thành tranh luận dữ dội, ông vẫn lặng lẽ, kiên định đi theo con đường của riêng mình: Một con đường nhỏ, vắng, có chút lắt léo quanh co và cô lạnh. Nói đúng hơn thì những vấn đề mà ông trăn trở không nằm ngoài sự quan tâm của các nhà văn, nhưng dưới góc tiếp cận của Nguyễn Huy Thiệp, chúng hiện lên giản dị, sống động và sắc nét. Một lời thoại, một câu cửa miệng, thậm chí một câu chửi thề của nhân vật cũng gây ấn tượng mạnh cho người đọc, khiến người ta thấy thật quá, đời quá, thậm chí là ác quá.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời chiều 20/3/2021 tại nhà riêng sau thời gian chống chọi với bệnh đột quỵ, thọ 71 tuổi.

Trăn trở với cái ác

Viết về cái ác cũng là điều day dứt, trăn trở trong nhiều trang văn của Nguyễn Huy Thiệp. Ông từng có truyện ngắn “Tội ác và trừng phạt” - nhan đề trùng với một tiểu thuyết kinh điển của nhà văn Nga F.M Dostoievsky. Ngay đầu tác phẩm mang dáng dấp luận đề này, ông chủ ý trích dẫn câu văn của Dostoievsky “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Thay vì hùa theo những ca ngợi tập thể vốn đã trở nên thừa thãi và sáo rỗng, ông lật mặt sau của tấm huân chương, vạch trần cái ác, cái xấu đang nấp nom mọi nơi, để cảnh báo, để lên án, giúp con người nhận biết và tránh xa nó. “Tôi có thể kể ra những tội ác bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau nữa. Sự ghen tuông, tính đố kỵ, mê tín dị đoan… Cải tạo đời sống mông muội về vật chất và tinh thần, luôn đề cao ý thức hướng thiện, đấy chính là con đường, là đạo” (Tội ác và trừng phạt). Trích đoạn này phần nào thể hiện quan niệm viết để “cải tạo đời sống” của ông.

Với cái xấu, cái ác, điều đáng sợ nhất chính là sự vô cảm, dửng dưng, thậm chí ngu tối, để rồi vô tình trở thành kẻ thủ ác hoặc tiếp tay cho cái ác. Nếu quan sát đời sống hiện tại với bao vụ án thương tâm xảy ra chỉ vì một tích tắc thiếu kiểm soát, thiếu hiểu biết thì mới thấy những điều mà Nguyễn Huy Thiệp đã viết từ 30 năm trước vẫn đầy tính thời sự, và nhức nhối, u buốt. Người con dâu trong truyện ngắn “Tướng về hưu” mang những nhau thai từ bệnh viện về nhà nấu làm thức ăn cho chó, khi bị cha chồng phát hiện thì nói với người giúp việc “Sao không cho vào máy xát. Sao để ông biết”. Cô thiếu nữ 16 tuổi trong “Tội ác và trừng phạt” chỉ vì uất hận  người cha vô nhân tính mà trở thành kẻ giết người. Nhân vật Bường trong “Những người thợ xẻ” mang dáng dấp của tên lưu manh lọc lõi, đầy dục vọng bản năng. Cô Diệu trong truyện ngắn “Cún” lấy sự tàn tật của người khác làm trò tiêu khiển.

Có thể nói, cái ác dự phần vào đời sống thường nhật của nhiều gia đình ở nông thôn cũng như ở thành phố, “được” chấp nhận như thể là điều bình thường. Cái ác len lỏi trong suốt chiều dài lịch sử, gắn với sự tồn tại của con người và hưng phế thời đại. Trong lưỡi kiếm của các bậc vua chúa cũng đầy máu và nước mắt chúng sinh. Là một nhà văn, Nguyễn Huy Thiệp không thể dửng dưng. Ông lạnh lùng yêu cầu nó lộ diện, lạnh lùng cảnh báo nó trước cộng đồng. Song để triệt tiêu cái ác, thì riêng ngòi bút của nhà văn là không thể.

Trân quý giá trị tốt đẹp

Vậy nên, Nguyễn Huy Thiệp trân quý những phẩm giá tốt đẹp, tìm cách nhen nhóm lan tỏa nó, hy vọng cứu chuộc thế giới như quan niệm về cái đẹp của Doxtoiepvsky. Trong thế giới “Không có vua” hỗn độn và bặm trợn, lòng tốt bản năng của Sinh - người phụ nữ bình dân ít học - giống như giọt nước mát lành xua bớt những bức bối ngột ngạt. Người thợ săn trong “Muối của rừng” sau khi chứng kiến lòng chung thủy tận tụy vì nhau của gia đình nhà khỉ, cảm thấy như được gột rửa thanh lọc tâm hồn trước thiên nhiên vĩ đại. Nhân vật Cún trong truyện ngắn cùng tên có gương mặt thánh thiện như để cứu chuộc lại phần cơ thể xấu xí, làm mềm lại những hung hãn của loài người.

Thời mở cửa cho phép chúng ta được phô bày bao điều vốn bị che giấu khuất nấp. Nguyễn Huy Thiệp đã nắm được chùm chìa khóa ấy, mở cánh cửa đi vào tâm hồn con người, lôi những khuất tất ra mổ xẻ chất vấn, góp phần làm thay đổi góc nhìn và quan niệm về những giá trị văn hóa, đạo đức vốn ngự trị nhiều năm nay. Thái độ của ông đầy truy vấn, riết róng, nhiều khi không tránh khỏi cực đoan. Kiên định một hướng đi, ông đã thành công với một địa vị không thể thay thế trong nền văn học hiện đại nước nhà./.

“Cuộc sống hình như ngày càng khắc nghiệt hơn, văn học nên biết cách làm cho nó dịu đi, nên làm cho nó đẹp hơn và nhân đạo hơn một cách nghệ thuật” - nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời chiều 20/3/2021 tại nhà riêng sau thời gian chống chọi với bệnh đột quỵ, thọ 71 tuổi. Ông đã được  trao tặng Huân chương Văn học nghệ thuật Pháp (năm 2007), giải thưởng Premio Nonino, Ý (năm 2008). Mới đây ông có tên trong danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với 2 tác phẩm "Tướng về hưu" và "Những ngọn gió Hua Tát".

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận