Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ: Làm bừng lên phần hừng đông trong mỗi con người

Từ thành công của kịch bản văn học 'Hừng Đông' với hai phiên bản nghệ thuật, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ tiếp tục cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết 'Hừng Đông'.

 

Thân phận dân tộc hiện lên qua hình ảnh nhân vật lịch sử

“Hừng Đông” là cuốn tiểu thuyết tư liệu về nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu (5/5/1902 - 28/8/1941) - một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta -  đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.

Nhà cách mạng Phan Đăng Lưu quê ở thôn Đông, xã Hoa Thành (trước là Tràng Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nông dân có truyền thống nho học, yêu nước, yêu lao động, nhân ái, nghĩa tình. Ông sớm bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học, can đảm, khí khái; giỏi  tiếng Hán, tiếng Pháp, văn học, nông học, chính trị học, xã hội học... Những năm tháng tuổi trẻ, Phan Đăng Lưu ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước, đưa nước ta theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ.

Bằng tiểu thuyết “Hừng Đông”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã tái hiện chân thực, trách nhiệm và sinh động cuộc đời, sự nghiệp cách mạng sôi nổi, nhiều sáng tạo, nhiều gian khổ, hy sinh của nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu từ lúc ông tốt nghiệp trường Canh Nông của Pháp; quyết tâm từ bỏ cuộc sống của một viên chức trong bộ máy thực dân, tham gia các hội yêu nước, và sau đó trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Viết về nhân vật lịch sử nhưng cuốn tiểu thuyết hấp dẫn người đọc ngay từ những chương đầu. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận xét, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã khéo léo đặt nhân vật Phan Đăng Lưu trong mối quan hệ rộng và sâu với nhiều nhân vật khác thuộc nhiều khuynh hướng chính trị và mục đích dấn thân khác nhau như: Phan Bội Châu, Ngô Đình Diệm… cũng như các đồng chí cùng chung chí hướng của mình như Lê Hồng Phong, Tôn Quang Phiệt, Hải Triều, Nguyễn Chí Diểu, Lê Duẩn... Mỗi nhân vật xuất hiện ít hay nhiều, có vị trí xã hội khác nhau, nhưng đều như những thỏi nam châm cực mạnh bắt/hút nhau tạo thành một “từ trường” đặc biệt.

“Nhưng nếu thiếu cái riêng, cái cá thể hoá thì tiểu thuyết “Hừng Đông” khó bề nhập vào địa hạt văn chương. Tôi thích cách tác giả cá thế hoá nhân vật qua chuyện riêng tư, đời thường, qua thế giới nội tâm phong phú của một con người kết hợp trong mình các phẩm tính của một trí thức - chiến sĩ cộng sản - một nhân cách có căn cốt văn hoá trong ứng xử với gia đình, vợ con, bạn bè với nhiên thiên. Rồi những đoạn trữ tình ngoại đề, kiểu như miêu tả Phan Đăng Lưu trở về quê nhà Yên Thành vào giữa mùa hè, cánh đồng đã gặt xong, lúa phơi vàng trên những mảnh sân, con ngõ… Những đoạn trữ tình ngoại đề này khác nào những bóng râm mát, nơi dừng nghỉ trên con đường dài giữa một ngày nóng bức” - ông Bùi Việt Thắng nhận xét.

Để viết về nhân vật lịch sử Phan Đăng Lưu, tác giả đã phải mất mươi mười lăm năm đi thu thập, tra cứu tư liệu, đi điền dã một số địa điểm, di tích lịch sử; gặp một số ít ỏi nhân chứng, gặp gia đình, người thân của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu; trao đổi với một số nhà nghiên cứu Phan Đăng Lưu…Tác giả có may mắn và vinh dự được sinh ra, lớn lên trên quê hương  của Phan Đăng Lưu (Yên Thành, Nghệ An). Ông nội tác giả cùng tuổi với Phan Đăng Lưu, cha tác giả - một lão thành cách mạng - kém Phan Đăng Lưu hai giáp. Từ nhỏ, tác giả được nghe ông bà, cha mẹ kể nhiều câu chuyện về Phan Đăng Lưu về những con người yêu nước.

Chia sẻ trong buổi ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho biết, viết về một người cộng sản ưu tú, kiệt xuất ở một giai đoạn lịch sử dựng Đảng, cứu nước, cứu dân đầy bi hùng, máu lửa, ông đã cố gắng đến mức cao nhất đảm bảo tính chân thật, khách quan của lịch sử. Cái khó của người viết là không được hư cấu nhân vật lịch sử, nhưng nhà văn có quyền đi sâu khai thác nội tâm nhân vật, cùng với việc hư cấu nhân vật phụ để tạo sức hấp dẫn và làm nổi bật nhân vật chính.

“Viết tiểu thuyết lịch sử “Hừng Đông” là viết về vấn đề lịch sử, con người lịch sử, trong văn chương gọi là thân phận con người, nhưng cao hơn là thân phận dân tộc, thân phận của Đảng Cộng sản Việt Nam” - nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ tại buổi ra mắt sách.

Tác phẩm đề cập vấn đề “nóng” của cuộc sống đương đại

Có mặt tại buổi ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã thành công với kịch bản sân khấu “Hừng Đông” nhưng khi chuyển sang tiểu thuyết là một sự dũng cảm, bởi sân khấu có nhiều yếu tố phụ hoạ giúp cho tác phẩm thành công, nhưng tiểu thuyết hấp dẫn hay không phải dựa vào chính tác giả. Tuy nhiên khi đọc cuốn tiểu thuyết, ông đã thấy hấp dẫn ngay từ những chương đầu tiên. Tác phẩm chia làm 11 chương, xuyên suốt các chương là hình ảnh nhân vật chính Phan Đăng Lưu được khắc hoạ rõ nét từ những hoạt động cách mạng cho đến thế giới nội tâm nhân vật. Tuy nhiên, mỗi chương như một chuyện ngắn, có chủ đề riêng, gói gọn một vấn đề khiến người đọc bị cuốn hút và không có cảm giác tràng giang, nhàm chán.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận xét, dù là cuốn tiểu thuyết lịch sử nhưng tác phẩm vẫn mang hơi thở của đời sống, đề cập đến vấn đề “nóng” của cuộc sống đương đại. Trong tác phẩm, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nói đến lũ chuột, đến “con chuột cơ hội” với những từ ngữ giàu sức gợi: “Chính Phan Đăng Lưu từng nói rằng, đừng coi thường lũ chuột. Chúng bé, nhưng trong bóng tối, chúng dễ sinh sôi, và có thể làm mọi trò bẩn thỉu để có miếng ăn. Chúng cũng sẵn sàng cắn phá mọi thứ tài sản to lớn mà phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của người ta mới tích lũy được. Lũ chuột cũng có thể làm hỏng việc lớn”.

Khi được hỏi tiểu thuyết “Hừng Đông” ra mắt chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tác giả muốn gửi gắm điều gì? Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho biết, thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng ta hiện nay không ngừng xây dựng, chỉnh đốn cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức để viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc trong bối cảnh mới.

Tác giả cho rằng, thời kỳ nào cũng vậy, cán bộ đảng viên phải là những người gương mẫu, không vì lợi ích riêng, dám xả thân, dám hy sinh. Nếu bộ máy của Đảng bây giờ có nhiều đồng chí như nhà lãnh đạo Phan Đăng Lưu sẽ làm cho Đảng ta luôn vững mạnh. “Qua tác phẩm “Hừng Đông”, thông điệp mà tôi muốn gửi gắm là trong mỗi chúng ta ai cũng có phần bóng tối và phần hừng đông. Phần bóng tối là những toan tính cá nhân. Còn phần hừng đông là tinh thần xả thân, biết nghĩ về đất nước, về nhân dân. Đã đứng vào hàng ngũ của Đảng, anh phải là những con người đàng hoàng, biết hy sinh cho đất nước” - nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nhắn nhủ./.

Tiểu thuyết “Hừng Đông” là cuốn tiểu thuyết thứ 2 trong sự nghiệp sáng tác của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ sau “Chuyện tình Khau Vai”. Đến nay, ông đã có 2 cuốn sách về lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ; 8 kịch bản sân khấu; 2 tập thơ; nhiều cuốn sách nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật và báo chí.

 

“Cuốn sách rất hấp dẫn và để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm. Tác giả không chỉ giỏi trong việc dựng nhân vật mà ngôn ngữ chính luận cũng được sử dụng nhuần nhuyễn, uyển chuyển. Những đoạn, những trang viết về nông thôn cho tôi sự rung cảm, điều đó chứng tỏ nhà văn là người rất am hiểu và đã từng gắn bó với nông thôn” - nhà thơ Hữu Việt.

 

“Trước đây, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã viết nhiều thể loại, gần đây ông gia nhập đội ngũ nhà văn viết tiểu thuyết. Những người viết tiểu thuyết là người có nội lực mạnh  mẽ và sung mãn. Hơn nữa, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ là người viết có nghề, với 280 trang sách, tiểu thuyết của ông nhập vào dòng tiểu thuyết ngắn, là xu hướng của văn hoá đọc hiện nay, bởi bây giờ viết dài quá người ta rất ngại đọc” - nhà phê bình Bùi Việt Thắng.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận