- Tôi thấy năm nào đến kỳ thi của bọn trẻ con là người lớn chúng ta lại tất bà tất bật. Phụ huynh lo việc của phụ huynh, thầy cô giáo lo việc của thầy cô giáo, nhà quản lý và cơ quan an ninh lo việc đảm bảo thi cử không gian lận. Nào là ra đề có đảm bảo không chất lượng và khách quan không? Rồi là từ lúc ra đề đến khi làm bài có lộ đề không? Trong giờ thi có sử dụng thiết bị công nghệ cao không? Chưa hết, còn khâu thu bài, niêm phong, rọc phách, chấm thi… Năm nào tôi cũng thấy có chuyện! Còn nhớ một năm nào đó có quan chức địa phương yêu cầu phải điều tra xem ai “gắp điểm” bỏ vào bài thi của con cháu nhà ông ấy. Thật là, chả còn gì để nói nữa…
- Thôi được rồi! Tóm lại là ông muốn nói chuyện gì?
- À, ý tôi là năm nào cũng đầy gian lận thi cử mà không thấy khắc phục gì cả.
- Có khắc phục sửa chữa chứ sao ông lại nói là không?
- Sửa rồi vẫn sai sót, khắc phục vẫn gian lận thì chẳng thà đừng thi nữa!
- Không được! Nói như ông thì để không còn tham nhũng chúng ta không làm ăn và không cần quản lý nữa à? Cuộc sống xã hội dừng lại không vận hành à?
- Ấy chết, tôi không nói nghiêm trọng như cách ông diễn giải! Nhưng mà, muốn nói gì thì nói, thi cử là phải nghiêm túc, công bằng, minh bạch. Đối với bọn trẻ con đang chuẩn bị bước chân vào đời thì kỳ thi này là vô cùng quan trọng, ở mức độ nào đó nó quyết định nhân cách của các em. Dấu ấn tiêu cực sẽ in rất sâu và có thể đeo đuổi các em suốt đời. Có lẽ ông đã đúng khi so sánh thi cử với tham nhũng. Dung dưỡng tiêu cực gian lận thi cử nguy hại chẳng kém gì để mặc cho bọn tham nhũng lộng hành. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật và dám nói thẳng với nhau như vậy.
- Vâng, nói thẳng ra là không thi thì thôi, đã thi là phải sòng phẳng!
- Đúng vậy! Còn nhớ hồi xưa tôi và ông thi tốt nghiệp ngồi gần nhau, lúc làm bài toán tôi thấy ông có vẻ bí nên tôi đẩy tờ nháp sang mà ông gạt đi không nhận. Điểm toán tốt nghiệp ông thấp hơn tôi nhưng khi thi vào đại học lại cao hơn tôi. Ông đã vượt qua tôi một cách sòng phẳng, không chỉ trong mấy kỳ thi ấy mà còn về sau này nữa. Cảm ơn ông. Tôi vẫn thường hay nói về ông mỗi khi răn dạy các con tôi học hành.
- Nhắc lại chuyện cũ thì tôi cũng phải cảm ơn ông, bởi vì ông sẵn lòng giúp đỡ lúc thấy tôi khó khăn.
- Ôi không, ông nói làm tôi thấy ngượng, vì gọi là sẵn lòng giúp đỡ nhưng vi phạm qui chế thi như vậy là không được.
- À ờ, ông nói phải. Dù sao tôi vẫn cảm ơn ông. Và, như thế mới là sòng phẳng./.
Mic