Làm lại móng

Cần hoàn thiện hệ thống luật pháp, bịt kẽ hở để những nhóm lợi ích không thể lách luật. Quan trọng hơn là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ vì lợi ích chung.

- Ông xem clip ngôi nhà mấy tầng sập xuống trong tích tắc chưa? Sợ quá, đúng là nhà dột tại nóc, nhà đổ tại móng. Xây nhà tầng tốn không ít tiền, sao người ta không làm móng cho chắc chắn nhỉ?

- Tôi đã xem rồi, ngôi nhà 3 tầng ấy khá vững chắc, rồi thời gian trôi và nhà bên cạnh thi công móng đã làm nó nghiêng đổ. Nhà bên có điều kiện làm móng sâu rộng và kiên cố hơn, nhưng không lường trước nên không quan tâm gia cố làm lại móng cho nhà liền kề, bây giờ phải làm trả toàn bộ ngôi nhà 3 tầng, trong khi chờ đợi phải thuê nhà cho hàng xóm ở.

- Ừ, thế cũng phải. Nhưng mà, theo như ông nói, xây nhà muốn an toàn thì khi làm móng phải tính toán đến cả tác động khi nhà liền kề xây sau nữa à?

- Tôi không nói vậy nên ông đừng hiểu ra như vậy. An toàn trong xây dựng đã có luật quy định.

- Vâng, có luật, nhưng khi xin phép và cấp phép xây dựng tôi thấy hầu hết là người ta lách luật, cứ “gửi gắm” rồi gật gù bỏ qua cho nhau.

- Ông vừa nói gì, “gửi gắm”? Từ này quen quen, tôi mới nghe ở đâu ấy nhỉ? À đúng rồi, trước tòa, cựu chủ tịch Hà Nội nói rằng, nếu muốn làm ăn chỉ cần “gửi gắm” một câu hoặc chỉ đạo cấp dưới cũng có tiền, thậm chí nhiều tiền.

- Chả riêng ở Hà Nội, gần đây có nhiều vụ án liên quan đến đất đai nhà cửa, cổ phần hóa, đấu thầu… làm thất thoát hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước, vụ nào cũng có quan chức vì động cơ cá nhân mà “gửi gắm”. Ngôi nhà kỷ cương phép nước đang dột từ nóc.

- Truy tố xét xử những vụ án lớn như vậy là đang chống dột, nhưng theo tôi cần phải gia cố làm lại nền móng nữa ông à. Cụ thể là cần hoàn thiện hệ thống luật pháp, bịt kẽ hở để những nhóm lợi ích không thể lách luật. Quan trọng hơn là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ vì lợi ích chung. Trong việc này cần có tầm nhìn xa, tầm nhìn chiến lược. Nói cho dễ hiểu thì ví như khi làm móng xây ngôi nhà của mình phải lường trước được cả tác động khi nhà liền kề xây sau nữa.

- Lường trước là tốt, nhưng rồi đến lúc nào đó vẫn phải gia cố làm lại móng.

- Tất nhiên rồi, có gì là vĩnh cửu đâu? Luật pháp thì nhanh lạc hậu so với thực tiễn, cán bộ thì theo nhiệm kỳ.

- Vậy chúng ta gia cố làm lại móng trên cái nền gì?

- Cái nền ấy là lợi ích chung. Làm cán bộ phải dám hy sinh, biết hy sinh lợi ích cá nhân vì sự phát triển đi lên của đơn vị, cơ quan, cộng đồng, rộng hơn là của xã hội, của nhân dân.

- Tôi hiểu rồi, sự hy sinh của mỗi cá nhân ấy như viên đá nhỏ góp phần làm ổn định vững chắc nền móng của ngôi nhà kỷ cương phép nước./.

Mic

Bình luận

    Chưa có bình luận