Bánh mỳ và vàng

Chỉ thấy giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới. Không hình dung được là vì sao nhu cầu mua vàng của dân ta cao tới mức ấy.

- Lâu lắm rồi hôm nay tôi mới ăn bánh mỳ vào buổi sáng, bẻ ra từng miếng nhai kỹ rất thơm ngon!

- Ông mua ở đâu, cho tôi ăn thử một miếng được không?

- Còn nửa cái phần ông cả, tôi ăn một nửa cái là đủ rồi.

- Ừ, để xem nào, à, thơm ngon thật, nhưng mà nên có nhân hoặc ăn với đường sữa thì mới đủ chất. Ông định ăn chay để giữ khỏi tăng cân?

- Không hẳn vậy, tôi thấy nên tiết kiệm một chút trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Ông xem đây, theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, hết tháng 10 chúng ta xuất siêu 1,1 tỉ USD, vậy mà chỉ nửa tháng sau, tính hết ngày 15/11, cán cân thương mại đã đảo chiều thành nhập siêu, thâm hụt 132 triệu USD.

- Ôi dào, đó là chuyện lớn của quốc gia, tôi chả thấy có liên quan gì đến cái bánh mỳ của ông. Mà tôi nói thật, ông và tôi mỗi người ăn một nửa cái bánh mỳ thì vẫn là bánh mỳ, nhưng thông tin ông vừa đọc cho tôi nghe nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa nói lên điều gì cả.

- Ông còn muốn nghe thêm gì nữa?

- Cần thông tin cụ thể hơn, chẳng hạn như vì sao nhập siêu, nhập nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất hay chỉ nhập hàng tiêu dùng? Rồi những mặt hàng nào xuất khẩu không được như dự tính… Tóm lại là cần phân tích cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu. Nhưng mà thôi, theo tôi thì thâm hụt ở mức ấy là chấp nhận được trong điều kiện nền kinh tế nước ta và chuỗi cung ứng toàn cầu đều bị ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài và diễn biến khó lường. Nói thế nào cho dễ hiểu nhỉ? À, xuất siêu thì tốt hơn, nhưng nhập siêu cũng tốt, còn hơn không làm gì.

- Ờ, ông đừng nghĩ rằng tôi không biết cái bánh mỳ nó thơm ngon là do đâu nhé! Tôi tham gia ý kiến cùng ông đây. Nhập siêu, thâm hụt ở mức ấy là chấp nhận được, ông có lý khi nói là còn hơn không làm gì. Nhưng tôi thì tôi muốn nói rõ thêm là còn hơn là mua vàng, chứng khoán, tiền ảo để “lướt sóng”, không rút kịp giờ nó xuống dốc không phanh thì có xuất siêu cũng chả bù đắp nổi.

- Ông nói phải, nhưng đã nói như ông thì tôi xin nói rõ hơn nữa. Chứng khoán tôi không bàn, vì dù thế nào nó vẫn là hàn thử biểu của nền kinh tế. Tiền ảo tôi chẳng dám bàn, bởi cái này rất mạo hiểm và luật pháp nước ta chưa cho phép. Tôi chỉ lăn tăn về vàng. Từ hồi chưa cô vít cô veo gì đến giờ tôi chỉ thấy giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới. Tôi không hình dung được là vì sao nhu cầu mua vàng của dân ta cao tới mức ấy.

- Cái này không phải do nhu cầu đâu, theo tôi là do văn hóa.

- Vâng, có lẽ thế, đối với kinh tế thì văn hóa như bàn tay dẫn dắt vô hình ông à./.

Mic

Bình luận

    Chưa có bình luận