Nguy hại hơn đi lùi

Chuyên mục Loa ngoài

- Đây ông xem đi để thấy tôi nói không sai, rằng, lái ô-tô đi lùi trên đường cao tốc mà không xử lí nghiêm là không được. Vừa sáng nay nhé, ngay giữa Thủ đô văn minh nhé, ô-tô ngang nhiên đi lùi ở đường vành đai 3 trên cao.

- Đâu, đâu? Làm gì có chuyện đó!

- Rõ ràng thế này còn chối cãi sao được, đường Thủ đô, xe ô-tô mang biển Thủ đô hẳn hoi nhé, ông đọc đi: 30F – 023.30. Đi lùi tới nửa cây số lận, để rẽ xuống nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến.

- Ờ nhỉ, nếu lỡ chân ga thì chạy tiếp tới nút giao sau rồi đi xuống mới là tôn trọng luật pháp, chứ như thế này rõ ràng là giữa nơi văn minh lại sống như ở rừng rú à?

- Là do xử không nghiêm đó ông ơi. Còn nữa, trong việc này chế tài xử phạt cũng quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

- Chưa nghiêm thì phải chấn chỉnh lại để làm cho nghiêm. Chế tài nhẹ thì sửa đổi bổ sung cho đủ sức răn đe. Nhưng tôi thấy còn một nguyên nhân nữa không dễ gì điều chỉnh được.

- ???

- Cái này không dễ diễn đạt, bởi nó là tâm lí xã hội, không giống như luật pháp. Có thể nói gọn lại là tâm lí phản kháng. Con người ta thường có suy nghĩ này do cảm thấy bị thiệt thòi, bị đối xử không công bằng.

- Đường sá của chung là như nhau, mọi phương tiện lưu hành theo luật như nhau, có gì mà thiệt thòi với không công bằng ở đây?

- Ấy, cái này không phải do giao thông, nó được hình thành khi còn nhỏ.

- Ông nói rõ hơn xem nào!

- Này nhé, ở nhà cùng làm việc tốt mà có đứa con được khen có đứa không được khen. Tới trường thấy nhiều bạn chửi tục không sao, nhưng mình nói lỡ một câu bị “sao đỏ” mách cô giáo và bị “tát hội đồng”. Con người ta từ nhỏ đã phải chịu đựng như vậy, lớn lên hình thành tâm lí bất phục, phản kháng, chỉ chờ có cơ hội để bùng phát, để “trả thù”…

- Ừ nhỉ, ông phân tích tôi mới thấy. Không chỉ là lái xe đi lùi trên cao tốc đâu, có người còn lừa đảo, lấy cắp của công, tham nhũng, thậm chí cầm súng bắn người khác nữa… Nguy hại quá, nguy hiểm quá, thôi, không nói nữa!

- Chưa hết đâu ông ơi, còn những đứa trẻ biết rằng tát bạn mình là sai nhưng bị ép buộc nên vẫn phải làm, tôi hỏi ông, chúng suy nghĩ gì? Sau này lớn lên vào đời, chúng mang theo tâm lí cơ hội “ném đá hội đồng” hay là tâm lí thần phục, nhắm mắt buông xuôi?

- Theo hướng nào cũng nguy hại vô cùng, nên tới lúc phải chấn chỉnh từ giáo dục học đường, và nữa, trong từng gia đình phải cố gắng thôi ông à!

Bình luận

    Chưa có bình luận