Nói chuyện làm luật

Cần chuẩn bị kĩ để tránh chồng chéo, trùng lặp mà kém hiệu quả; tránh tình trạng có một 'rừng luật' mà khi có việc chẳng biết áp dụng luật nào.

- Lâu lắm rồi tôi mới thấy Quốc hội thể hiện rõ vai trò là quyền lực của nhân dân khi bác bỏ 3 dự án luật. Bởi vì ở ta, hầu hết các dự án luật được xây dựng từ thực tiễn điều hành kinh tế-xã hội, do các bộ ngành chủ trì, lấy ý kiến của các ngành các cấp theo qui trình, rồi khi trình ra quốc hội chỉ chỉnh sửa câu chữ, thêm bớt sắp xếp cho phù hợp và thông qua. Dự án luật nào “chưa chín” sẽ được trả lại để chuẩn bị kĩ càng hơn, khi nào “chín” mới trình ra quốc hội. Thật hiếm khi, có thể nói là chưa bao giờ tôi thấy cùng một lúc có 3 dự án luật không được quốc hội đồng tình. Đây là lúc sắp hết nhiệm kì nữa, có sự vội vàng không nhỉ?

- Ông nói chuyện gì khó hiểu vậy? Tôi chỉ muốn hỏi ông cách thuyết phục thằng lớn nhà tôi không làm “hiệp sĩ đường phố” nữa, ông bày cho tôi cách nào?

- Khó quá, Quốc hội vừa bác bỏ rồi, cho rằng không cần nghiên cứu hoàn thiện dự án luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở…

- Tôi không cần biết luật lá gì cả, nhưng nếu như con tôi và bạn bè nó vẫn muốn làm “hiệp sĩ đường phố” thì phải có cách hỗ trợ, bảo vệ chúng nó chứ?

- Muốn làm cách nào cũng phải có luật. Con ông là “hiệp sĩ đường phố” thường xuyên bị đe dọa tính mạng, nhưng tình trạng mất an toàn giao thông đáng lo ngại hơn nhiều với con số thương vong mỗi ngày hàng chục người. Vậy mà dự án luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng chưa được Quốc hội đồng ý.

- Nghe ông nói tôi bắt đầu hiểu rồi, nhưng tôi băn khoăn tại sao những dự án luật quan trọng thiết thực như thế mà Quốc hội không đồng ý thông qua nhỉ?

- Ông nói hiểu rồi nhưng chưa hiểu rõ. Đúng là những dự án luật ấy quan trọng và thiết thực vì nó điều chỉnh những quan hệ, lĩnh vực, vấn đề sát sườn với tất cả mọi người. Song những điều quan trọng thiết thực ấy đang được điều chỉnh bởi nhiều luật và bộ luật khác nhau, nên cần phải chuẩn bị kĩ để tránh chồng chéo, trùng lặp mà kém hiệu quả; tránh tình trạng như dân ta vẫn nói là có một “rừng luật” mà khi có việc chẳng biết áp dụng luật nào, nên thường hay xử lý theo cảm tính, theo kiểu “trăm cái lý cũng phải có một tí cái tình”.

- Ờ ờ, tôi hiểu rõ hơn rồi đấy, nhưng mà theo tôi, lý hay tình gì cũng không được để xảy ra tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

- Ông nói điều này thì đúng rồi. Để làm việc đó Quốc hội đang thực hiện tăng dần tỷ lệ đại biểu chuyên trách. Tôi với ông có lẽ không còn tuổi theo dõi lộ trình ấy, nhưng nên ủng hộ để con cháu mình tiếp tục hoàn thiện ông à./.

Mic

Bình luận

    Chưa có bình luận