Hiện nay, các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) là nơi tập trung phần lớn giao dịch TMĐT B2C và C2C, nhưng đây cũng là nơi mà vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được phản ánh rõ nét nhất. Thực tiễn cho thấy, mọi hoạt động từ xét duyệt thông tin người bán, đăng tải thông tin hàng hóa, giao dịch, thanh toán đều thông qua đơn vị vận hành sàn giao dịch TMĐT.
Trong khi đó, nhiều sàn TMĐT do có doanh thu từ việc thu phí giao dịch, đã thả lỏng việc xét duyệt hồ sơ của đối tượng tham gia sàn, dẫn đến hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên mạng mà không có biện pháp kiểm soát; nhiều mặt hàng còn đăng tải bằng ngôn ngữ bản địa như tiếng Trung, tiếng Hàn... khiến người tiêu dùng lúng túng khi tiếp cận thông tin.
Theo ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số (Bộ Công thương), trong vòng 5 năm trở lại đây, nhất là sau khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn, với 80% người tiêu dùng đã từng mua hàng online.
Theo khảo sát mua sắm trực tuyến tại Việt Nam năm 2019, mua sắm quần áo chiếm 24%; hàng cá nhân 21%, hàng điện tử 18%; vé máy bay, xem phim 17%; nội dung online 19%… Tuy nhiên, thực trạng hàng gian, hàng giả, hàng lậu xuất hiện tràn lan trên các kênh bán hàng này đang khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào sàn thương mại điện tử.
Điều này được thể hiện rất rõ ở những con số vụ việc mà cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt. Trong cả năm 2019, lực lượng thanh tra chuyên ngành về TMĐT, cùng với lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra trên 2.400 vụ việc, xử lý trên 2.200 vụ việc vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, xử phạt trên 16,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 40 tỷ đồng.
Tiếp đó, 9 tháng năm 2020, cơ quan thanh tra chuyên ngành về TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số đã phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an trực tiếp tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính với các đối tượng vi phạm với tổng mức phạt 173 triệu đồng. Trong đó nổi bật vụ xử phạt pate Minh chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới vì hành vi thiết lập website TMĐT không thông báo với Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật.
Lấp lỗ hổng quản lý, tăng chế tài xử phạt
Từ vụ việc mà cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt các hành vi vi phạm trên môi trường TMĐT có thể thấy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên các kênh bán hàng trực tuyến vẫn đang rất nhức nhối, từng ngày, từng giờ đe dọa đến an ninh đời sống người dân cũng như làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các DN làm ăn chân chính.
Nêu nguyên nhân của thực trạng này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng,việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các DN gian lận cũng rất khó khăn do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” này không đơn giản. Trong khi đó, chế tài xử phạt cũng mới chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính, trong khi lợi nhuận thu được là rất lớn, bởi vậy vi phạm vẫn khá tràn lan.
Bộ Công Thương cho biết, từ đầu năm 2020, Bộ này đã yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT rà soát, gỡ bỏ tổng số gần 223.600 gian hàng và hơn 1 triệu sản phẩm, qua đó đã xử lý trên 30.000 gian hàng với gần 48.000 sản phẩm vi phạm.
Theo Bộ Công Thương, để xử lý vấn nạn hàng giả, hàng nhái cũng như siết chặt kinh doanh trên sàn TMĐT, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, Bộ này đã và đang nghiên cứu, lập dự thảo điều chỉnh Nghị định 52, theo hướng hoàn thiện khung khổ pháp lý, lấp những lỗ hổng trong quản lý TMĐT.
Trong đó sẽ đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về những thông tin bắt buộc phải có khi bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT, tăng trách nhiệm của chủ sàn trong việc gỡ bỏ thông tin hàng hóa vi phạm; Bổ sung quy định riêng với mạng xã hội có hoạt động giao dịch TMĐT, tăng chế tài xử lý…
Bên cạnh đó, Cục TMĐT và KTS đã chủ động đăng tải cảnh báo đến người dùng trên các phương tiện truyền thông về các hành vi lừa đảo, giả mạo khi thực hiện mua sắm, đặt hàng trên môi trường điện tử, các dấu hiệu, chiêu trò lừa đảo bán các sản phẩm, thiết bị y tế kém chất lượng như khẩu trang, nước rửa tay trên mạng xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, để người tiêu dùng thực sự tin tưởng các kênh giao dịch online, cần củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với chính các cửa hàng trong hệ thống. Theo đó, khi chất lượng hàng hoá và dịch vụ đi kèm như giao nhận, giải quyết tranh chấp… được nâng lên thì niềm tin của người tiêu dùng mới được nâng cao./.
Theo VOV.VN