Kích thích hay hỗ trợ doanh nghiệp nếu chúng ta không thay đổi cách làm thì chỉ là "bình mới rượu cũ". Điều quan trọng là có giải pháp tín dụng phù hợp để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ từ Chính phủ. Báo Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng.
Thưa ông, thực tế đã chứng minh là rất ít doanh nghiệp tiếp cận được với các gói hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19. Cần phải làm gì để doanh nghiệp tiếp cận các gói tín dụng này thuận lợi hơn?
Chúng ta đang có 4 gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong dịch bệnh Covid-19. Gói thứ nhất là Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tham gia, nhưng đó là một chương trình để các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp. Gói thứ hai trị giá 180.000 tỷ đồng về thuế, cũng không có nhiều ý nghĩa với những doanh nghiệp yếu kém. Gói thứ ba là Chính phủ hỗ trợ cho người lao động mất việc làm, nhiều người dân than phiền rằng họ không thể xin hỗ trợ từ gói đó quyết thủ tục rất là khó khăn. Gói thứ tư là gói 16.000 tỷ đồng mà Chính phủ qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay các doanh nghiệp với lãi suất bằng 0% để hỗ trợ trả lương cho người lao động. Thế nhưng cho đến giờ chỉ có một doanh nghiệp đạt được yêu cầu.
Tôi nghĩ rằng điều đầu tiên là Chính phủ kiểm tra và xử lý tất cả những thủ tục vướng mắc đang là trở ngại khiến người dân và các doanh nghiệp không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ này để muộn nhất là đến cuối năm nay, tất cả các gói đã có phải được giải ngân 100%. Tiếp đó rồi sẽ tính gói mới. Ngay cả gói này cũng phải có những thủ tục hành chính linh hoạt chứ còn nếu vẫn như 4 gói trước thì tôi nghĩ lại vướng mắc mà thôi.
Nhiều quan điểm cho rằng thay vì tiếp tục triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp nên làm một gói kích thích doanh nghiệp. Theo ông, sự khác biệt giữa kích thích và hỗ trợ là gì?
Kích thích mang tính cách tích cực hơn, tức là thúc đẩy các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ kinh doanh, nhất là thời gian sau đại dịch. Gói kích thích mang tính tích cực, mở rộng hơn, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tôi đề xuất Chính phủ thành lập một tổ hợp tín dụng và yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại tham gia. Mỗi ngân hàng cho vay tùy theo tỷ trọng dư nợ của mình, cho vay khoảng 2,5% đến 3,5% trên tổng dư nợ của mỗi ngân hàng. Như vậy thì tổng số có thể lên đến khoảng 300.000 tỷ đồng. Đối tượng cho vay là các doanh nghiệp đủ điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh. Dĩ nhiên là những doanh nghiệp yếu kém không thể hỗ trợ được, vì họ đã suy sụp hoặc là chết lâm sàng trong lúc dịch bệnh thế này thì có cứu bao nhiêu tiền cũng như muối bỏ bể. Các ngân hàng lập tổ hợp đó dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước rồi bầu ra một ngân hàng quản lý tại tổ hợp tín dụng nó. Trong tổ hợp đó, họ sẽ có quy định là những doanh nghiệp nào có thể vay vốn vay với lãi suất rất thấp, có thể thời hạn cho vay là 3 năm. Năm đầu chỉ có trả lãi thôi. Còn 2 năm sau phải trả lãi và gốc.
Các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp. Vậy lấy gì để đảm bảo sự an toàn đồng vốn cho họ?
Tất nhiên, một tổ hợp tín dụng cũng có độ rủi ro vì nó phải là tổ hợp tín dụng trên cơ sở tín chấp chứ không phải thế chấp, vậy lấy gì để bảo đảm cho các ngân hàng cho vay một cách an toàn? Theo tôi Chính phủ phải dùng thêm cơ chế bảo lãnh tín dụng theo quyết định của Chính phủ năm 2018 để thành lập một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, bảo lãnh cho doanh nghiệp vay bảo đảm không có rủi ro. Thông qua cơ chế bảo lãnh tín dụng các ngân hàng có thể cho vay với lãi suất rất thấp 3% trong thời hạn 3 năm. Chỉ có cách như thế thì Chính phủ mới có thể có một gói kích thích nền kinh tế. Chúng ta phải nghĩ rằng những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển sẽ giúp nền kinh tế vực dậy sau thời gian dịch bệnh.
Ngoài vấn đề về tín dụng, theo ông, có những giải pháp nào khác để kích thích doanh nghiệp phát triển?
Ngoài câu chuyện về vốn, tôi thấy cải cách thủ tục hành chính là một khâu rất quan trọng. Cải cách những thủ tục hành chính để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp tốt hơn, đồng thời về phía các doanh nghiệp cũng cần thúc đẩy việc ứng dụng chuyển đổi số để cải cách, quản lý doanh nghiệp, giảm dần những công đoạn không cần thiết trong quy trình sản xuất kinh doanh, tự động hóa phải đi cùng với kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và Chính phủ số để số hóa nền kinh tế theo xu hướng chung của thế giới. Từ đó Chính phủ có sự cải cách hành chính theo hướng vừa có chính sách đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho quốc gia cũng như doanh nghiệp. Trong đó, tổ hợp tín dụng và gói 300.000 tỷ đồng mà tôi vừa đề xuất cũng cần dành một phần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.
Xin cảm ơn ông./.