Hàng Việt đứng chỗ nào?

Trước thềm đại hội Đảng bộ, các địa phương lộ ra những dự án mua sắm lãng phí. Nhưng cứ cho việc mua sắm là cần thiết thì tại sao phải là hàng ngoại?

 

Trước thềm đại hội Đảng bộ các địa phương lộ ra những dự án mua sắm không cần thiết, lãng phí. Nhưng cứ cho việc mua sắm là cần thiết thì tại sao phải là áo vest được may bằng vải và thiết kế của nước ngoài? Tại sao phải là cặp da nhập khẩu? Chẳng lẽ những tên tuổi hàng Việt như An Phước Pierre Cardin, May 10, Ladoda... không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, đẳng cấp? Hay còn có lý do nào khác?

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho biết, một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Điển hình là ngành dệt may có tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu chiếm khoảng 50%, ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%... Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước hiện duy trì ở mức cao: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)... Theo báo cáo năm 2018 của các doanh nghiệp phân phối, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 60% đến 96%, cụ thể: Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu), AEON (80% theo mã hàng), Auchan (65% theo mã hàng), MegaMarket (95% theo mã hàng)... Còn đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Thế nhưng, qua câu chuyện mua sắm trước thềm đại hội ở một số tỉnh thì chúng ta không khỏi băn khoăn, phải chăng hàng Việt chưa đủ “sang” để phục vụ những sự kiện lớn? Hay tâm lý sính ngoại của những người tổ chức còn quá nặng? Hay là công tác tiếp thị quá kém để những người có trách nhiệm mua sắm công không biết đến hàng Việt?

Với thị trường gần 100 triệu dân, hàng Việt có nhiều cơ hội phát triển. Thế nhưng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chỉ là “vận động” nên con đường để hàng Việt đến với người Việt vẫn xa vời.

Nếu hàng Việt không thực sự được các cơ quan Nhà nước ủng hộ, không được “ưu tiên” mua sắm bằng ngân sách công, thì rất khó có cơ hội sản xuất quy mô lớn nhằm khắc phục nhược điểm cố hữu: nghèo mẫu mã và giá thành cao.

Chỗ đứng nào cho hàng Việt?

Trả lời câu hỏi này là trách nhiệm của chúng ta.

Trước hết là trách nhiệm gương mẫu của những đảng viên ưu tú.

Trực tiếp là trách nhiệm của cán bộ quyết định sử dụng ngân sách công./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận