Nhiều gam màu sáng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2020 ước tính tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ của 10 năm trở lại đây, song, trước tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm thì với mức tăng trưởng này, Việt Nam đã trở thành một trong số ít nền kinh tế có tăng trưởng dương, và được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings (S&P) nhận định Việt Nam có khả năng sẽ là quốc gia phục hồi kinh tế tốt thứ hai ở châu Á - Thái Bình Dương.
Quan sát con số tăng trưởng cụ thể của từng quý cũng cho thấy, Việt Nam đã có kinh nghiệm trong ứng phó với dịch Covid-19, do đó, việc dịch bùng phát trở lại trên diện rộng với số người nhiễm cao gấp nhiều lần so với bùng phát lần 1 vẫn không làm khó được công tác điều hành kinh tế. Theo đó, quý I GDP của Việt Nam tăng 3,68%, quý II GDP chịu tác động nghiêm trọng do thực hiện giãn cách toàn xã hội đã khiến tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,39%. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp khoanh vùng dập dịch và tiếp tục duy trì hoạt động kinh tế tại những địa phương không có dịch đã giúp cho tăng trưởng của quý III khởi sắc hơn quý II, đạt 2,62%. Với kết quả này, GDP 9 tháng vẫn đạt trên 2%, cao hơn mức 1,8% của nửa đầu năm.
Trong kết quả tăng trưởng GDP 9 tháng có nhiều gam màu sáng. Một trong những điểm sáng ấn tượng nhất chính là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế (ở cả chiều cung/nguyên liệu và cầu/tiêu dùng), song hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8%; trong đó, xuất khẩu đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2%. Cán cân thương mại 9 tháng tiếp tục xuất siêu với mức 16,99 tỷ USD. Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi đạt 71,83 tỷ USD, tăng mạnh 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 9 đã tăng trưởng trở lại; các hoạt động kích cầu tiêu dùng, du lịch đang được triển khai quyết liệt. Hoạt động của doanh nghiệp (DN) còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, DN lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2020 với khoảng 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn…
Bức tranh kinh tế 9 tháng cũng ghi nhận kết quả tích cực từ đầu tư. Theo đó, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.445,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, riêng vốn đầu tư công ước tính đạt 327.900 tỷ đồng (chiếm 22,7% vốn đầu tư toàn xã hội), tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng của bức tranh kinh tế 9 tháng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do các rủi ro bên ngoài khi dịch bệnh chưa thuyên giảm ở nhiều nước. Một số tổ chức quốc tế cảnh báo rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền lớn, trong khi khả năng hấp thụ còn yếu, có thể dẫn đến bong bóng tài chính. Thách thức nội tại như ngành công nghiệp, xây dựng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các thị trường xuất khẩu chính còn gặp khó khăn. Tiêu dùng phục hồi chậm khi tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 9 tháng chỉ tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng năm trước, thể hiện người dân còn khó khăn và cũng đã thay đổi hành vi tiêu dùng.
Vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong thời gian tới, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Song đà tăng trưởng sẽ khá hơn trong quý 4 và tăng trưởng cả năm đạt mức 2%-3% là khả thi. Một trong những động lực cho tăng trưởng từ nay đến cuối năm được bà Nguyễn Thị Hương nhắc tới là kinh tế thế giới được dự báo đang phục hồi dần sẽ làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa.
“Hiệp định EVFTA có hiệu lực, đang được các cấp, các ngành tích cực triển khai có thể giúp Việt Nam khôi phục hoạt động xuất khẩu vào thị trường châu Âu - vốn là thị trường truyền thống lớn của nước ta”, bà Hương cho biết.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, quý IV có nhiều dư địa và điều kiện thuận lợi hơn để tăng tốc. Trong đó, tiêu dùng trong nước và đầu tư sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2020. Do đó, cần thúc đẩy nội lực của chính nền kinh tế. Bao gồm: chủ động nguồn cung đối với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, đồng thời duy trì được nguồn thu từ xuất khẩu nông sản tới những quốc gia đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực, mở rộng thị trường xuất khẩu và tìm kiếm khách hàng mới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục giữ dư địa tài khóa để triển khai các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế ở thời điểm phù hợp; tận dụng thị trường tiêu thụ trong nước và tâm thế vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp trong nước để vượt qua bẫy kinh tế.
“Cần phải cải cách để kích hoạt các nguồn lực, đưa các nguồn lực đến những dự án, nhà đầu tư tốt nhất sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong những tháng cuối năm và năm 2021. Đặc biệt, khu vực tư nhân cũng phát triển được lành mạnh vì người giỏi kinh doanh, có ý tưởng tốt sẽ tiếp cận được nguồn lực, cơ hội, chứ không phải là người “chạy giỏi”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu ý kiến.
Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa tiếp tục duy trì và phát triển kinh tế, xã hội. Để đạt được mục tiêu này, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tập trung các giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với cộng đồng DN và người dân.
“Cần vận động người dân ủng hộ DN sản xuất và tiêu thụ hàng Việt. Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, điều chỉnh phương án cơ cấu sản xuất, dự đoán nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, hài hòa với các chính sách khác”, bà Nguyễn Thị Hương khuyến nghị./.
Cẩm Tú/VOV.VN