Lo ngại Covid-19 rình rập, doanh nghiệp tính cách chuyển hướng tồn tại

Covid-19 cơ bản được kiềm chế song vẫn có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào, nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch phải chuyển hướng kinh doanh để tồn tại lâu dài.

 

Không thể ngồi im chờ thị trường du lịch phục hồi hoàn toàn, khi mà dịch bệnh Covid-19 có thể quay lại bất cứ lúc nào có lẽ đang là quan điểm kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dịch vụ. Hiện nhiều ông chủ quyết định chơi bài toán kinh doanh "tay ngang", chấp nhận sống chung với dịch bệnh để doanh nghiệp được "sống khỏe" trong mọi hoàn cảnh.

Ông Đỗ Như Châu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Như (đơn vị quản lý chuỗi khách sạn Le Pavillon Hoi An), chia sẻ: “Từ dịch bệnh Covid-19, tôi rút ra bài học không nên tập trung đầu tư duy nhất vào mảng du lịch, như vậy rất dễ rủi ro vì đây là một ngành rất dễ phản ứng tiêu cực trước thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy vừa muốn kinh doanh trong ngành du lịch vừa muốn giữ cho công ty được tồn tại, nhân viên có công ăn việc làm, chúng tôi buộc phải kinh doanh nhiều ngành nghề khác”.

Du khách vắng vẻ tại nhiều khách sạn ở Hội An. (Ảnh minh họa)

Ông Châu phân tích thêm: "Du khách Việt thường có thói quen du lịch theo mùa, thời điểm. Hiện không còn là cao điểm thu hút khách du lịch trong nước nữa. Vì thế, nhiều tuần qua, dù khách sạn mở cửa trở lại cũng không có khách. Hy vọng vào dịp cuối năm, tình hình được cải thiện do các đường bay thương mại quốc tế được mở cửa ngày càng nhiều, khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn".

Theo ông Châu, hiện doanh nghiệp của ông phải tạm thời đóng 2 khách sạn trong hệ thống do vắng khách, dự kiến đến cuối tháng 12 mới mở trở lại. Tuy nhiên, công ty đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để nhanh chóng khởi công một dự án y tế tại Hội An và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm từ Australia về Việt Nam.

Cũng như ông Châu, chủ một khu nghỉ dưỡng ở Hội An cho biết, đang cùng nhiều doanh nghiệp khác tính toán xây dựng một “siêu thị online” bán hàng nông sản sạch. Đây sẽ là hướng đi mới, kể cả khi khách sạn mở cửa trở lại nhằm giúp doanh nghiệp tồn tại lâu dài, bởi dịch bệnh có thể quay lại do thế giới chưa tìm ra vaccine phòng ngừa.

“Trong tình hình hiện nay, sống chung với dịch là vấn đề nên được tính tới. Do đó, doanh nghiệp phải xây dựng lại kế hoạch kinh doanh cho phù hợp”, vị này cho hay.

Còn ông Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc Công ty du lịch Blue Sky, cho biết để giữ chân nhân viên, doanh nghiệp đã phải tìm kiếm những việc làm mang tính thời vụ như bán hàng online để tăng doanh thu.

“Mặc dù không có doanh thu nhưng chúng tôi vẫn phải giữ chân người lao động vì sau này để tuyển lại cũng rất khó. Những công việc thời vụ tuy không ổn định nhưng cũng mang lại nguồn thu nhập tối thiểu cho người lao động, để họ có thể gắn bó với công ty vượt qua khó khăn”, ông Tiến nói.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta tiếp tục đạt thấp do Việt Nam thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Tính chung 9 tháng năm 2020, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 70,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hơn 97% là khách quốc tế đến trong quý I/2020./.

Theo VTC.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận