Covid-19 đã khiến cho kinh tế Việt Nam liêu xiêu trong bối cảnh bế tắc chung của kinh tế toàn cầu. Nhiều đơn hàng bị hủy, đình, hoãn. Nhiều người lao động mất hoặc giảm cơ hội làm việc. Đáng ngại nhất là ngành hàng không và du lịch. Việc tái xuất hiện người nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tháng 7/2020 khiến cho mọi hoạt động vận tải, du lịch đều bị đình trệ. Ngành hàng không, đường sắt, đường bộ đã từng phải hủy các tuyến vận tải hành khách nội địa đến Đà Nẵng, ngay cả các chuyến tàu ngang qua cũng không dừng lại. Không chỉ các tour du lịch đến Đà Nẵng phải dừng lại, mà những điểm đến khác cũng giảm sút nghiêm trọng. Sự xuất hiện trở lại của đại dịch khiến ngành du lịch (đóng góp tới 9,2% GDP năm 2019) và hàng không vừa có hy vọng phục hồi thì đã phải đình trệ.
Mở cửa trở lại nền kinh tế là điều mong đợi nhất của các doanh nghiệp và từng người lao động. Nhưng điều quan trọng là phải chuẩn bị được “sức khỏe” cho nền kinh tế, bao gồm cả công tác phòng chống dịch hiệu quả. Một trong những việc cần quan tâm đầu tiên là chính sách dành cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh cá thể. Thực tế cho thấy, nhóm này rất khó tiếp cận với các chính sách ưu đãi, kể cả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch, vì thường thiếu các hồ sơ cần thiết theo yêu cầu của các cơ quan ngân hàng, tài chính, thuế, BHXH, LĐ-TB-XH... Đơn cử gói hỗ trợ cho vay 16.000 tỉ đồng với lãi suất 0% chỉ duy nhất một doanh nghiệp tiếp cận được khi đáp ứng đủ thủ tục.
Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước tại cuộc họp mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã sẵn sàng tái cấp vốn khoản tiền 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% cho Ngân hàng Chính sách xã hội với những yêu cầu về mặt thủ tục thông thoáng hơn. Cụ thể là công ty nào có doanh thu giảm 20% so với trước dịch có thể tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thay vì quy định chỉ "doanh nghiệp gặp khó khăn" một cách chung chung như thời gian trước. Khoản tiền cũng được giải ngân trực tiếp về doanh nghiệp chứ không phải người lao động như quy định cũ.
Ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên sẽ phải đảm bảo an toàn dòng vốn như doanh nghiệp, nhưng nếu cả hai bên đều giữ thế thủ thì sẽ dẫn tới tình trạng là ngân hàng “thừa tiền” nhưng doanh nghiệp không vay được. Do đó, đây là thời điểm Chính phủ cần “dàn xếp” mối quan hệ này bằng cách đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, nếu không nền kinh tế vẫn sẽ bị đình trệ, khó đón nhận cơ hội đầu tư sau đại dịch./.