7 tháng, xử lý được 63,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Từ năm 2012 đến cuối tháng 7, toàn hệ thống xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, riêng 7 tháng năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý khoảng 63,7 nghìn tỷ.

 

Sáng nay (22/9), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2020.

Theo báo cáo của NHNN, trong quý III, đơn vị này đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường. Thanh khoản hệ thống của tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt. Tính đến ngày 15/9, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 7,58% so với cuối năm 2019.Mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống TCTD dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế, nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch Covid-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ năm 2019, đến ngày 16/9, tín dụng chỉ tăng 4,81% so với cuối năm ngoái.7 tháng, hệ thống ngân hàng xử lý được 63,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu. (Ảnh minh họa: KT)

Về điều hành tỷ giá, từ đầu năm đến nay, mặc dù một số giai đoạn chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid -19 và biến động trên thị trường quốc tế, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, tỷ giá USD/VND diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN tiếp tục mua ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Về xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở dưới mức 2%. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7 vừa qua, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, riêng 7 tháng năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng.

Định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, NHNN cho biết, sẽ chỉ đạo TCTD tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế; đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Ngành cũng sẽ kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách cấp tín dụng nhằm hỗ trợ các đối tượng chịu tác động của dịch Covid-19 và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận