Liên kết chuỗi cà phê ở Tây Nguyên: Nhiều kỳ vọng từ 5000 ha đầu tiên

  • 17/09/2020 10:38:40
  • Dương Đình Tuấn/VOV-Tây Nguyên
  • Kinh tế
  • 0

Quy mô liên kết này được coi là hạt nhân đổi mới, để ngành cà phê nhân rộng trong thời gian tới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

Chiều 16/9, tại thành phố Plei Ku, tỉnh Gia Lai, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị công bố kết quả Liên kết Chuỗi cà phê, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững - VnSAT. Các liên kết chuỗi cà phê chưa thật sự nhiều, quy mô liên kết mới đạt 5.000 ha trên tổng số 600.000ha của cả nước. Nhưng đây được coi là hạt nhân đổi mới, để ngành cà phê nhân rộng trong thời gian tới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành.

Theo Bộ NN&PTNT, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, VnSAT, được khởi động năm 2016 với số vốn 301 triệu đô la, do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự án đã hỗ trợ thành lập và củng cố hoạt động của 185 tổ chức nông dân ở 5 tỉnh Tây Nguyên; đào tạo khoảng 40.400 hộ về sản xuất cà phê bền vững. Đến tháng 6/2020, diện tích cà phê bền vững đạt 36.266ha.

Cũng trong 5 năm triển khai, VnSAT đã hỗ trợ thiết thực nhằm nâng cao năng lực sản xuất quản trị chất lượng sản phẩm cho 182 hợp tác xã trồng cà phê ở Tây Nguyên; 30 hợp tác xã được đào tạo chuyên sâu về thị trường, xây dựng thương hiệu và cấp mã QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm; 22 hợp tác xã đã ký kết được hợp đồng bao tiêu ổn định với doanh nghiệp; 5 hợp tác xã được trang bị đầy đủ năng lực để tham gia chuỗi giá trị cà phê thương hiệu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai thăm  dây chuyền chế biến cà phê của một doanh nghiệp trong chuỗi liên kết ở tỉnh.

Hoạt động liên kết chuỗi của dự án VnSAT đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê lớn, với tổng diện tích cà phê được bao tiêu là hơn 5.000ha.

Tại hội nghị chiều 16/9 cũng diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác bao tiêu niên vụ cà phê 2020-2021 giữa 3 công ty lớn về xuất khẩu cà phê, với 3 hợp tác xã cà phê ở Đăk Lăk, Kon Tum và Gia Lai.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT, những liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp, chính là thành công đáng kể nhất trong 5 năm thực hiện VnSAT tại Tây Nguyên, bởi từ đây, các tỉnh Tây Nguyên có thể mở rộng các chuỗi liên kết trong thời gian tới, khắc phục những bất cập của ngành cà phê.

“Nông dân buộc phải cần doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp khi gặp nông dân lại không dám thật sự tin tưởng. Bởi nông dân sản xuất quy mô nhỏ, năng lực tuân thủ các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm còn có vấn đề. Với bối cảnh như vậy, thì Bộ NN&PTNT, ngoài các chưuơng trình, chính sách hỗ trợ, còn cần rất nhiều mô hình điển hình để nhân rộng. Vì vậy, hôm nay, những thành quả của VnSAT đem lại, những cách kết nối với nông dân, liên kết nông dân với doanh nghiệp, là những mô hình rất tốt”./.

Dương Đình Tuấn/VOV-Tây Nguyên

 


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận