Shipper và kinh tế số

Kinh tế số, thương mại điện tử phát triển trong cộng đồng với tốc độ chóng mặt, nhưng vấn đề là chúng ta khai thác được bao nhiêu từ kết quả đó?

Một nhà báo sống và làm việc lâu năm tại Hà Nội mới đây nhận xét: “Kể từ khi có Covid, số xe máy lưu thông ở Hà Nội có đến hơn nửa là xe của những người giao hàng và xe ôm công nghệ”. Nhận xét này có lẽ không sai, nhất là trong giai đoạn giãn cách toàn xã hội ở đợt dịch Covid thứ nhất.

Đại dịch Covid-19 thực sự là dịch bệnh nguy hiểm, không chỉ làm suy yếu sức khỏe và lấy đi tính mạng của con người mà còn đánh vào kinh tế của toàn thế giới, buộc con người phải hạn chế giao dịch trực tiếp - điều mà chưa một dịch bệnh nào trước đây gây ra. Không chỉ cho loài người thấy hậu quả của tăng trưởng kinh tế “nóng”, tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, mà Covid-19 còn buộc chúng ta phải sử dụng thành quả của chính chúng ta, dù thích hay không: internet và kinh tế số. Có thể coi xe ôm công nghệ và đội ngũ giao hàng qua các app như Grab, Be, GoViet, Baemin, Now, Foody cùng hàng loạt các kênh giao hàng truyền thống và phi truyền thống như một biểu hiện của kinh tế số ở Việt Nam. Và cứ thế, kinh tế số đến với chúng ta theo cách ít ngờ nhất. Bao nhiêu năm tổ chức hội thảo, hô hào, quyết tâm thì thương mại điện tử vẫn chỉ thực sự phát triển khi nhu cầu thực tiễn đòi hỏi và có sẵn nền tảng cho sự phát triển, mà nền tảng cụ thể trong thời điểm này chính là mạng xã hội Facebook và các chợ điện tử có tính tương tác cao như Shopee, Lazada, Tiki, Zalo shop…

Kinh tế số, thương mại điện tử phát triển trong cộng đồng với tốc độ chóng mặt là kết quả đáng mừng, nhưng vấn đề là chúng ta khai thác được bao nhiêu từ kết quả đó? Hầu hết các nền tảng thương mại điện tử được sử dụng hiện nay đều có nguồn gốc từ nước ngoài. Một số ứng dụng được doanh nghiệp trong nước xây dựng đã bị bán cho doanh nghiệp nước ngoài như Now bán cho Shopee, Zalo được bán cho một doanh nghiệp Malaysia. Các ứng dụng xe ôm công nghệ nội địa như Be, GoViet đang cạnh tranh chật vật với Grab, trong khi ông lớn này vẫn “chày cối” trong việc trả nốt phần nợ thuế của Uber, đối tác mà họ đã “thôn tính” vài năm trước. Đó là chưa kể ông lớn này đã tự ý phát triển hàng loạt ứng dụng liên quan đến tài chính trước khi được phép của cơ quan quản lý nhà nước. Viễn cảnh không mấy tích cực, khi cái mà kinh tế Việt Nam nhận được, suy cho cùng, là cơ hội làm ăn không bền vững của những cửa hàng nhỏ lẻ, của những người chạy xe ôm công nghệ và giao hàng. Tất cả cho thấy một thực tế, dù vấn đề phát triển thương mại điện tử và kinh tế số đã được đặt ra từ hàng chục năm trước, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ để phản ứng kịp thời trước biến động của thực tiễn.

Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là yêu cầu tất yếu của kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhưng kinh tế số càng phát triển càng cần những chính sách quản lý linh hoạt, thích nghi thời cuộc, cùng đội ngũ cán bộ quản lý nhạy bén, sắc sảo, tránh rơi vào tình trạng lợi nhuận phát triển kinh tế số chảy ra bên ngoài, như từng xảy ra ở nhiều lĩnh vực kinh tế truyền thống trước kia.

Bình luận

    Chưa có bình luận