Gỡ khó cho thị trường dệt may

Các chuyên gia nhận định, những tháng cuối năm, doanh nghiệp dệt may cần đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.

 

Trước diễn biến của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp dệt may đang tìm kiếm những cơ hội tại thị trường nội địa.

Thị trường xuất khẩu giảm 30-40%

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp chưa có đơn hàng cho những tháng cuối năm, trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là giải pháp giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động đã trở nên bão hòa.

6 tháng đầu năm 2020, Tổng Công ty May 10 đã vượt qua nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, dù đã có thời điểm, chuỗi cung ứng đứt gãy, lưu thông hàng hóa bị đình trệ, nhưng Tổng Công ty đã trụ vững, linh hoạt chuyển đổi sản xuất để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Tuy vậy, những tháng còn lại của năm, Tổng Công ty sẽ phải đối diện với nhiều thử thách. Hai thị trường xuất khẩu chiếm 85% thị phần là Mỹ và Liên minh châu Âu chưa phục hồi, dẫn đến sản lượng quý 3 sẽ thiếu so với năng lực sản xuất.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 dự báo, những tháng cuối năm, doanh nghiệp sẽ hết sức khó khăn, khi khẩu trang và bộ bảo hộ y tế trở nên bão hòa, nhu cầu thị trường giảm, lượng đơn hàng may mặc truyền thống chưa phục hồi. Tổng công ty May 10 tập trung tăng năng suất lao động, tiết kiệm tối đa, cắt giảm mọi chi phí không cần thiết. “Dự báo kịch bản từ tháng 9 đến hết quý 4 rất khó khăn, có thể phải nghỉ luân phiên nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực, liên tục tìm kiếm mảng sản xuất mới và tiếp tục đơn hàng dài. Đối với sản phẩm may mặc truyền thống, phải tăng cường những đơn hàng hoặc những điều kiện về giao hàng, chất lượng sản phẩm, số lượng nhỏ là chúng ta phải làm”, ông Việt cho hay.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dệt may đang xoay xở tìm kiếm cơ hội tại thị trường nội địa. (Ảnh: Trube)

Hiện nay, lượng đơn hàng của các doanh nghiệp chỉ đủ đến tháng 9, trong khi những năm trước, thời điểm này, đã có đơn hàng cho những tháng đầu của năm sau. Để duy trì sản xuất, doanh nghiệp dệt may đang tìm mọi cách giữ chân người lao động. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, điều quan trọng và thành công lớn nhất trong những tháng vừa qua, đó là toàn hệ thống Tập đoàn vẫn duy trì được việc làm cho người lao động, dù thời gian làm việc và thu nhập có giảm. Những tháng còn lại của năm thách thức là rất lớn, thị trường xuất khẩu dệt may có nguy cơ giảm tới 30-40% so với năm ngoái. Đặc biệt, với những diễn biến mới của dịch bệnh, doanh nghiệp dệt may buộc phải chuyển hướng sản xuất, áp dụng các quy trình phòng dịch.

Xoay xở tìm thị trường nội địa

Theo ông Lê Tiến Trường, những tháng cuối năm, các đơn vị thành viên Tập đoàn sẽ tập trung triển khai giải pháp để có thể sản xuất được các mặt hàng cơ bản và chấp nhận phương án linh hoạt, không chuyên môn hóa trong ngắn hạn. “Chúng ta không ngại khám phá, không ngại sáng tạo, thực tế đã tổ chức sản xuất các mặt hàng mà chưa từng sản xuất như khẩu trang phòng dịch, khẩu trang y tế, quần áo y tế cho bác sĩ, cho bệnh nhân. Thời điểm khó khăn cũng là lúc cần có sự sáng tạo, tiết kiệm chi phí, sản xuất tốt hơn, năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn. Kể cả giờ làm, số lượng công việc có thể ít đi. Chia sẻ với nhau để tất cả cùng có việc làm, cùng được đi làm, cùng có thu nhập, giữ vững đội ngũ của mình”.

Hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp dệt may đang tìm kiếm cơ hội tại thị trường nội địa. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết, nhiều năm qua các doanh nghiệp dệt may đã không ngừng đầu tư, đẩy mạnh sản xuất các dòng sản phẩm cung ứng ra thị trường nội địa. Một số doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm, dịch vụ với chất lượng sản phẩm ngày càng cao, giá thành hợp lý, sản phẩm dệt may Việt Nam ngày càng chinh phục lòng tin của người tiêu dùng. Theo ông Cẩm, thị trường nội địa sẽ là một trong những phân khúc tiềm năng bù đắp một phần chi phí trong bối cảnh khó khăn, dù doanh thu của thị trường nội địa không quá lớn khi người dân đang thắt chặt chi tiêu. “Chúng ta biết rằng, ngành dệt may là ngành xuất khẩu, tuy nhiên, từ rất lâu, các doanh nghiệp dệt may cũng đã tập trung khai thác thị trường nội địa mà chúng tôi coi đây là một thị trường rất tiềm năng và về lâu dài. Chúng tôi cũng nhận thức được trách nhiệm phục vụ thị trường trong nước bởi thị trường này sẽ ngày càng phát triển. Ngoài ra, nhận thức và hành vi tiêu dùng của người dân cũng đang được thay đổi. Doanh nghiệp cần cố gắng tập trung để sản xuất, thay đổi công nghệ, xây dựng hệ thống phân phối đến vùng sâu, vùng xa để đưa hàng phục vụ người dân...”, ông Trương Văn Cẩm chia sẻ.

Các chuyên gia nhận định, những tháng cuối năm, doanh nghiệp dệt may cần đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, phần nào bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu, đồng thời, triển khai các giải pháp ứng phó với những diễn biến nhanh của tình hình dịch bệnh và thị trường./.

Bá Toàn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận