Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cách tính giá điện

  • 20/08/2020 11:32:33
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Sau hơn một tuần công bố, dự thảo giá điện mới nhận được nhiều ý kiến đóng góp với các quan điểm trái chiều. Trước phản ứng của người dân, Bộ Công Thương đã tiếp thu các ý kiến đóng góp và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cách tính giá điện.

 

Cần minh bạch cơ sở tính giá điện và cách tính

Bộ Công thương vừa lấy ý kiến dự thảo biểu giá điện mới. Cụ thể có 2 phương án giành cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Phương án 1 là biểu giá bán lẻ điện tính theo 5 bậc trên cơ sở 6 bậc hiện tại, phương án 2 tính theo 5 bậc và 1 bậc (gồm 2 phương án 2A và 2B). Đặc biệt, tại phương án 2A và 2B, giá điện tính theo bậc 5 (từ 701 kWh trở lên) cao hơn rất nhiều so với bậc 5 (từ 701 kWh trở lên) của phương án 1, từ 3.449 - 5.109 đồng/kWh, trong khi giá điện bậc 5 của phương án 1 chỉ 3.132 đồng/kWh.

Đối với khách hàng sử dụng điện cho mục đích ngoài sinh hoạt, có 2 phương án: Phương án 1: Khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt bao gồm 03 nhóm: sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh. Trong đó nhóm sản xuất đã bao gồm cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp dịch vụ logistics. Phương án 2: Gộp các nhóm sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh thành 01 nhóm là khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt.

Theo đại diện Bộ Công Thương, việc sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nêu trên đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành được ban hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Bộ Công Thương. Các phương án sửa đổi nêu trên nhằm giải quyết tồn tại chính hiện nay của biểu giá điện theo hướng phù hợp với thực tế sử dụng điện của khách hàng.

Tuy nhiên, dự thảo đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân. Nhiều chuyên gia cho rằng các phương án chưa giải quyết được mục tiêu đặt ra cũng như kỳ vọng của công chúng đối với phương án điện một giá. Cụ thể, với các mức giá nêu trên, theo phương án 2A, giả sử khách hàng dùng 400 kWh/tháng theo cách tính 5 bậc sẽ đóng ít hơn so với mức giá hiện nay, nhưng nếu khách hàng này chọn trả 1 giá là 2.703 đồng/kWh thì phải đóng cao hơn đến 186.300 đồng/tháng. Còn trả 1 giá theo phương án 2B phải đóng cao hơn 261.074 đồng/tháng. Với mức giá điện 1 bậc được tính theo phương án 2A và 2B cao hơn, lần lượt 2.703 đồng/kWh (bằng 145% mức giá điện bình quân) và 2.890 đồng/kWh (bằng 155% mức giá điện bình quân).

Nhiều ý kiến cho rằng, phương án tính giá điện này không có tính ưu việt hơn phương án trước, vẫn là “bình mới, rượu cũ”. EVN phải minh bạch và giải thích rõ ràng giá bán điện bình quân được tính toán dựa trên cơ sở nào? Tại sao là biểu giá 5 bậc mà không phải là 3 bậc?  Để có giá điện hợp lý, thuyết phục được người dân thì EVN nên công khai tất cả các thông tin liên quan đến chi phí sản xuất, giá thành, mục tiêu lợi nhuận, dự đoán sản lượng tiêu thụ…

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện

Sau hơn một tuần gửi lấy ý kiến, dự thảo đã nhận được nhiều góp ý của các chuyên gia, đại diện các hiệp hội và người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều phân tích trái chiều, đặc biệt liên quan đến phương án 2A và 2B về lựa chọn điện 1 giá.

Chiều 18/8, Lãnh đạo Bộ Công Thương làm việc với đơn vị soạn thảo biểu giá điện để lắng nghe báo cáo, đánh giá về tình hình tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, Bộ Công Thương đã tiếp thu các ý kiến đóng góp và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đồng tình với quan điểm cần đảm bảo hài hòa quyền lợi của các đối tượng trong xã hội khi xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Đồng thời, ông Hải nhấn mạnh yêu cầu của việc cung cấp đủ điện, đảm bảo giá điện hợp lý và minh bạch – đây là điều mà người dân quan tâm nhất. Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh thiếu điện như hiện nay, sẽ không phù hợp nếu áp dụng điện một giá, chưa kể, phương án này không khuyến khích tiết kiệm điện. Còn nếu áp dụng cách tính điện theo bậc thang thì cần chú ý tính toán sao cho khoảng cách giữa các bậc phù hợp.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho rằng, ban soạn thảo cần tính đến việc cân đối, hài hòa lợi ích giữa các bên. Ông cũng cho biết, quan điểm của người tiêu cùng là cần điều chỉnh lại biên độ biến thiên của biểu giá điện bậc thang theo hướng nhất quán, cũng như giải quyết vấn đề giá điện bị nhảy vọt trong thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao.

Tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, việc xây dựng và hoàn thiện biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới là nhiệm vụ quan trọng và ý nghĩa đối với Chính phủ, Bộ Công Thương, nhất là trong bối cảnh đời sống nhân dân đang bị tác động bởi dịch bệnh. Xây dựng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt phải đạt các mục tiêu như đảm bảo cân đối cung cầu điện, đảm bảo điều kiện đời sống nhân dân, cơ chế an sinh xã hội, đảm bảo biên độ về lợi nhuận hợp lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, không phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu… Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan liên quan để hoàn thiện biểu giá điện mới, đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện cho sinh hoạt của người dân./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận