Chuyển biến trong nhận thức
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội năm 2019 của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), 67% người tiêu dùng xác định sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam và 52% người được hỏi cho biết luôn luôn khuyên người thân, bạn bè nên sử dụng hàng Việt Nam. Đặc biệt, 36% trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc từ nước ngoài đã dừng mua, thay vào đó là mua hàng Việt Nam. Kết quả điều tra năm 2019 là 67% người tiêu dùng xác định sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam, năm 2010 là 59% và 2014 là 63%. Điều này cho thấy nhận thức, thái độ của người dân khi mua sắm hàng hóa đã có sự chuyển biến thay đổi đáng kể, tỷ lệ người dùng hàng Việt có xu hướng tăng dần.
Tại Hội nghị tổng kết Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đánh giá, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trong khi nhiều chỉ số kinh tế suy giảm hoặc chững lại thì chỉ số bán lẻ hàng hóa trong nước 7 tháng qua vẫn tăng. Đặc biệt, với sự xuất hiện dịch bệnh Covid-19 trở lại tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, Hà Nội… nhưng không gây ra tình trạng khan hiếm, sốt giá, đã cho thấy sự vững mạnh của hệ thống phân phối trong nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện Đề án khẳng định, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 đã hỗ trợ nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.
Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên. Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Từ năm 2009 đến nay, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Nếu như năm 2010, Việt Nam nhập siêu là 12,5 tỷ USD thì đến năm 2018, Việt Nam đã xuất siêu gần 7,2 tỷ USD.
Vai trò trụ cột của thị trường nội địa
Dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, thị trường xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, nguồn nguyên liệu và các đơn hàng bị ngừng trệ thì thị trường nội địa với quy mô gần 100 triệu người sẽ trở thành trụ cột của doanh nghiệp Việt. Cụ thể, theo số liệu thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng năm nay giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng riêng tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng vẫn chiếm 79,2%, tăng 3,6%. Điều này đã chứng minh sức sống mãnh liệt của hàng Việt Nam cũng như vai trò trụ cột của thị trường nội địa.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, giả nhãn mác, đặc biệt là hàng nhập lậu không xuất xứ nhưng giả nhãn mác hàng hóa Việt Nam đang là tình trạng báo động, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Doanh nghiệp trong nước cũng chịu thiệt hại.
Mặc dù cơ quan chức năng đã liên tục đột nhập và triệt phá nhiều hang ổ nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn tung hoành. Ngày 14/08/2020, Đội Quản lý thị trường số 6 (cơ động) tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Đội 3 Phòng Cảnh sát kinh tế và Sở Y tế Bình Dương tiến hành kiểm tra Chi nhánh công ty TNHH Mckinley Resource có địa chỉ: 54 Truông Bồng Bông, tổ 2, khu 8, phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương phát hiện Chinh nhánh này đang hoạt động phân loại găng tay y tế đã qua sử dụng, được tái chế đóng hộp thành phẩm. Kết quả thực tế kiểm tra: Găng tay y tế đã qua sử dụng chưa phân loại (không rõ nguồn gốc xuất xứ): 1.174Kg; Găng tay y tế phế phẩm (không rõ nguồn gốc xuất xứ): 1.410kg.
Ngày 17/8/2020, Đội Quản lý thị trường Số 2, Cục Quản lý Thị trường TP HCM phối hợp với Cục Nghiệp vụ Quản lý Thị trường tiến hành kiểm tra tại 05 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chứa trữ hàng hóa, gồm: nhà máy sản xuất Vina Face Mask Tân Phú - Công ty cổ phần tập đoàn tài chính Đặng Nam, địa chỉ số 414/11E Tân Kỳ Tân Quý, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú; nhà máy sản xuất Vina Face Mask miền nam, địa chỉ số 151/105 Liên khu 4-5, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân; Công ty TNHH Hdpro Land, địa chỉ số 18C Bát Nàn, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2; điểm chứa hàng Công ty TNHH Hdpro Land, địa chỉ số 49 đường 101, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2; địa điểm chứa hàng Công ty TNHH Hdpro Land, địa chỉ số 1 đường số 84A, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. Qua kiểm tra, Đội tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa là găng tay và khẩu trang các loại vi phạm về nhãn hàng hóa, chưa cung cấp đầy đủ chứng từ, có dấu hiệu kém chất lượng, phế phẩm, đã qua sử dụng gồm: 1.065.640 cái găng tay; 3.254.750 cái khẩu trang; 1.214 kg nẹp nhựa, dây thun, vải không dệt; 4.560 cái vỏ thùng carton, vỏ hộp.
Để thị trường nội địa là trụ cột của hàng Việt, các doanh nghiệp cần ý thức về trách nhiệm của mình và cơ quan quản lý Nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ hơn./.