Ông Bùi Kiến Thành: 'Phải song song chống dịch và giữ ổn định kinh tế'

  • 20/08/2020 11:29:43
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Dịch Covid19 lần thứ hai bùng phát và lan rộng đến nhiều tỉnh thành và chưa đo lường được. Bộ Lao động Thương binh Xã hội dự tính số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu người. Trước bối cảnh này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, phải song song chống dịch và giữ ổn định kinh tế.

 

Theo ông, đợt Covid-19 lần thứ hai này tác động như thế nào đến nền kinh tế nước ta?

Đợt Covid-19 lần 2 bắt nguồn từ Đà Nẵng và lan rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước. Hiện nhà nước đã và đang áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn và làm chậm đà phát triển của Covid-19. Lượng khách kẹt lại ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều. Ngoài ra, hàng nghìn tour du lịch đến Đà Nẵng đều bị hủy, các hoạt động không thiết yếu đều bị dừng lại nên ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân. Mặc dù một số việc làm vẫn được hoạt động bình thường nhưng nói chung chúng ta chưa đo lường hết được tác động của dịch Covid-19 lần 2 này lên nền kinh tế Việt Nam. Kinh nghiệm chống dịch từ đợt 1 đã giúp chúng ta điều chỉnh phong toả, cách ly linh hoạt hơn. Bởi vậy đợt dịch này, Nhà nước không phong tỏa hết như đợt 1 mà chỉ phong tỏa 1 số địa phương nên tác động tới kinh tế sẽ hạn chế.

Những ngành kinh tế nào bị tác động, ảnh hưởng mạnh từ đợt dịch Covid19, thưa ông?

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đã tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô... Những ngành kinh tế bị tác động mạnh nhất của đợt dịch này là du lịch, từ đó ảnh hưởng tới tiêu dùng, sau đó là bất động sản, là du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.

Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã tính đến kịch bản xấu nhất là thời gian tới, số lao động mất việc làm có thể tăng khoảng 60.000-70.000 mỗi tháng, tập trung chính ở các lĩnh vực như du lịch, hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải, chế biến chế tạo... Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu người.

Và những ngành kinh tế này có những đóng góp quan trọng như thế nào cho tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, thưa ông?

Theo thống kê, tổng thu từ khách du lịch đạt 1,7-1,8 triệu tỷ đồng (tương đương 77-80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13-14%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12-14%. Đồng thời, ngành du lịch sẽ tạo ra khoảng 5,5-6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12-14%/năm. Đến năm 2030, du lịch sẽ thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Khi đó, Việt Nam đón ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa. Tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế đạt 8-10%/năm và khách nội địa 5-6%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt 3,1-3,2 triệu tỷ đồng (tương đương 130-135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 11-12%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15-17%. Ngành du lịch Việt Nam tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8-9%/năm.

Tuy nhiên, ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 48,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng không là DN bị ảnh hưởng mạnh từ dịch.

Tương tự đối với ngành bất động sản cũng vậy, trạng thái “ngủ đông” có thể sẽ còn kéo dài hơn lần trước do các yếu tố về tài chính, thu nhập và cả tâm lý thận trọng ngày một tăng dẫn đến sức cầu suy giảm mạnh. Với sự suy giảm của 2 ngành này, số lượng lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc lên tới hàng nghìn người. Điều này tác động lớn đến nền kinh tế.

Vậy theo ông chúng ta cần những chính sách gì để “hà hơi, tiếp sức” cho những ngành kinh tế này?

Chính phủ phải xem toàn bộ tình hình kinh tế của đất nước để đưa ra các giải pháp kịp thời nhằm bảo vệ được công ăn việc làm của người dân. Chính phủ cần ngồi lại với các cơ quan chức năng như VCCI, các hội đoàn doanh nghiệp để tính toán cụ thể đợt dịch này đã ảnh hưởng như thế nào tới vi mô, vĩ mô. Đối với những ngành nghề, doanh nghiệp đang đứng trước khả năng bị phá sản thì cần tìm cách giải quyết để doanh nghiệp không bị phá sản. Đặc biệt là đối với những loại thuế doanh nghiệp phải đóng trong bối cảnh doanh nghiệp không có thu nhập. Nhà nước cần phải nghiên cứu giảm, giãn các loại thuế đối với doanh nghiệp. Đây là việc làm cần thiết. Bởi nếu doanh nghiệp không có thu nhập thì lấy đâu ra tiền mà đóng các loại thuế cho Chính phủ. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang phải gồng mình để đóng các loại thuế như thuế thuê đất, thuê nhà, thuế VAT… nếu cứ như thế này doanh nghiệp làm sao mà tồn tại? Tránh “vắt cổ” doanh nghiệp trong thời kỳ doanh nghiệp khó khăn như thế này.

Chúng ta phải song song chống dịch và ổn định kinh tế, chứ không phải chống dịch rồi chết đói. Có ổn định kinh tế thì chúng ta mới tồn tại. Nếu không có ổn định kinh tế thì đất nước sẽ trở nên hỗn loạn, lúc đó vừa kiệt quệ về kinh tế, vừa bị dịch bệnh tàn phá, vừa rối loạn an ninh trật tự...

Thứ 2 nguồn tài chính cho doanh nghiệp: Phối hợp với hệ thống ngân hàng tại VN để xem nhu cầu tiền tệ của doanh nghiệp như thế nào. Nhu cầu vốn lưu động, chi tiêu cấp thiết hàng ngày, cũng như nhu cầu tiền tệ đầu tư phát triển. Cái này phải làm dài hơi, không phải chỉ trong thời kỳ Covid hay hậu Covid. Tôi thấy hiện nay Nhà nước chưa thật sự quan tâm tới vấn đề cấp thiết xây dựng chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Nhà nước cần khẩn trương nghiên cứu và hoạch định chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững trong những năm tới chứ không chỉ là “cứu hộ cứu nạn” trong giai đoạn trước mắt.

Chúng ta cần có kế hoạch, chính sách gì để bảo vệ người dân trước dịch nhưng vẫn tiếp sức được cho nền kinh tế, thưa ông?

Chúng ta phải song song chống dịch và ổn định kinh tế, chứ không phải chống dịch rồi chết đói. Cả hai vấn đề chống dịch và giữ ổn định kinh tế cần phải cố gắng thực hiện. Một mặt chống dịch, một mặt phải ổn định kinh tế, có ổn định kinh tế thì chúng ta mới tồn tại. Nếu không có ổn định kinh tế thì đất nước sẽ trở nên hỗn loạn, lúc đó vừa kiệt quệ về kinh tế, vừa bị dịch bệnh tàn phá, vừa rối loạn an ninh trật tự... Nếu dịch bệnh như 1 trận bão, biết được thời gian nó kết thúc thì có thể tập trung chống dịch rồi phát triển kinh tế sau, còn hiện tại, chưa biết lúc nào hết dịch, vậy nên chống dịch và giữ ổn định kinh tế là 2 mặt song song.

Đợt giãn cách xã hội lần trước như một bước đệm để chúng ta chuẩn bị kinh nghiệm về phòng chống dịch. Nay dịch quay lại, bị ở đâu thì khoanh vùng dập dịch ở đó, những nơi còn an toàn thì tiếp tục phát triển kinh tế, vì đó là cơ hội việc làm, sinh kế cho hàng triệu hộ dân. Không thể mỗi lần có ca nhiễm mới là lại giãn cách mọi nơi, như một người ốm bắt cả nước uống thuốc được. Nếu làm như thế nền kinh tế sẽ sụp đổ, nguy hại còn lớn hơn.

Xin cảm ơn ông!

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận