Giải pháp giảm thiểu rủi ro cho gỗ dán Việt

  • 13/08/2020 03:16:19
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Tốc độ phát triển mạnh mẽ của ngành gỗ dán, đặc biệt xuất khẩu mặt hàng này gia tăng 'đột biến' đã làm này sinh nhiều rủi ro.

 

Bốn loại hình rủi ro được cảnh báo

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, gỗ dán là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của công nghiệp gỗ Việt Nam. Trong 5 năm trở lại đây, ngành gỗ dán đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân trên 31%/năm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán đạt 800 triệu USD, chiếm 7% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu gỗ dán 5 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng trên 286 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt, xuất khẩu gỗ dán sang các thị trường chính như Mỹ, Hàn Quốc tăng đột biến trong những năm gần đây. Doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu ngày càng đông đảo. Các dự án FDI, đặc biệt là các dự án có nguồn vốn từ Trung Quốc, đầu tư vào sản xuất mặt hàng này tăng nhanh và nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng mạnh. Các cơ sở chế biến và sản xuất gỗ dán tăng nhanh, kéo theo sự mở rộng của các cơ sở chế biến trong các khâu khác của chuỗi cung ứng.

Tăng trưởng này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu khởi động (năm 2018), nhiều chuyên gia lo ngại về 4 loại hình rủi ro hiện đang tồn tại trong chuỗi cung gỗ dán của Việt Nam hiện nay, bao gồm: Rủi ro từ khâu nguyên liệu gỗ rừng trồng đầu vào tới khâu sản xuất ván bóc; Rủi ro trong khâu từ sản xuất ván bóc tới gỗ dán; Rủi ro trong pha trộn giữa nguồn cung trong nước và luồng cung nhập khẩu, và rủi ro trong khâu từ gỗ dán làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các mặt hàng khác phục vụ xuất khẩu.

Ngành gỗ dán vẫn đạt mức tăng trưởng 14% trong 5 tháng qua dù gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, ngày 28/10/2016 Bộ Kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi điều tra mặt hàng gỗ dán của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Mức thuế mà Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng là 240 USD/m3, trừ sản phẩm của 2 công ty hợp tác với cơ quan điều tra trước đó.

Ngày 3/12/2019, Ủy ban Thương mại của Hàn Quốc cũng đã chính thức điều tra ngành sản xuất gỗ dán của Việt Nam. Theo đó mức thuế tạm thời được áp dụng đối với tất cả các sản phẩm gỗ dán từ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này sẽ ở mức 9,18 - 10,56% (6 công ty nằm trong diện điều tra có mức thuế cao hơn). Mức thuế tạm thời được áp dụng từ 29/5 tới 28/9 năm 2020.

Và mới đây, ngày 9/6/2020 vừa qua Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ra phán quyết chính thức điều tra ngành sản xuất gỗ dán của Việt Nam. Hiện quá trình điều tra đang được tiến hành.

Ông Tô Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: “ Các rủi ro này có thể lan rộng đối với nhiều thị trường và nhiều mặt hàng đồ gỗ khác. Nhiều tín hiệu cho thấy có thể các doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng Việt Nam để làm kênh trung chuyển mặt hàng đồ gỗ sang thị trường Mỹ”.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Nhằm giảm rủi ro gây ra bởi các vụ kiện, thời gian vừa qua Chính phủ đã đưa một số cơ chế, chính sách quan trọng. Cụ thể, Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý các mặt hàng tiềm ẩn rủi ro, bao gồm mặt hàng gỗ dán được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Thủ tướng cũng yêu cầu xem xét các dự án đầu tư mới vào ngành. Ngày 20/8 cùng năm, Bộ Chính trị cũng ban hành Nghị quyết 50—NQ/TW nhằm nâng cao chất lượng thể chế và chính sách và hiệu quả, bao gồm cả việc giảm rủi ro, trong các hoạt động đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ và Forest Trends đã đưa ra một loạt các giải pháp. Cụ thể, cần tiến hành đánh giá chi tiết về thực trạng của các khâu trong chuỗi từ khâu nguồn gỗ nguyên liệu cho đến sản xuất và xuất khẩu... Cho đến nay, vẫn chưa có bất cứ một đánh giá chi tiết nào về thực trạng của các khâu này.

Một ví dụ điển hình là trong thời gian vừa qua, khi cơ quan công an của Phú Thọ đưa ra thông tin áp thuế đối với các hộ gia đình làm ván bóc, một loạt các cơ sở sản xuất ván bóc quy mô hộ gia đình đã phải tạm ngừng hoạt động, vì theo các cơ sở này, mức thuế cơ quan công an đưa ra làm cho sản xuất kinh doanh của các hộ không có lãi.

Hay thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp năm 2019 về các cơ sở chế biến mới dừng lại ở mức độ số lượng các cơ sở này mà chưa tìm hiểu các thông tin về nguồn cung nguyên liệu đầu vào, đầu ra và việc tuân thủ các quy định pháp luật của các cơ sở này.

Ông Tô Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: “Khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong trong việc chuyển đổi nguồn cung nguyên liệu gỗ dán, từ luồng cung không rõ ràng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, sang các luồng cung rõ ràng, với các thông tin về nguyên liệu, đầu ra, đầu vào mà doanh nghiệp hoàn toàn đánh giá và kiểm soát được về tính pháp lý và sự tuân thủ các yêu cầu pháp lý của các bên cung nguyên liệu này”.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận