Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của TP.HCM. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của thành phố sang thị trường này hơn 5 tỷ USD, riêng 6 tháng qua là 2,3 tỷ USD. Ngày 1/8 tới, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ có hiệu lực và TP.HCM cũng đang chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng tốt cơ hội này.
Chuẩn bị mọi tiêu chuẩn đưa hàng vào châu Âu
Châu Âu là thị trường quen thuộc, tiêu thụ hàng ngàn tấn chanh tươi mỗi năm của Công ty CP Thương mại và Đầu tư Chanh Việt. Tuy nhiên, giá trị kinh tế mang lại chưa cao, bởi sản phẩm vẫn ở dạng thô, chi phí vận chuyển lớn. Đón đầu cơ hội xuất khẩu và nhằm tăng giá trị sản phẩm khi EVFTA có hiệu lực, công ty cũng đã nhập máy móc từ Hàn Quốc và Nhật Bản sản xuất bột chanh theo tiêu chuẩn HACCP.
Ông Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, sắp tới, công ty sẽ xuất sang thị trường châu Âu lô bột chanh đầu tiên với 5 tấn bột chanh, 5 tấn vỏ chanh sấy.
“Công ty đã chuẩn bị từ rất lâu cho sản phẩm chế biến xuất sang châu Âu. Khi sản phẩm xuất khẩu với thuế xuất 0% sẽ rất có lợi cho công ty và bà con nông dân. Thị trường châu Âu họ cũng rất chuộng sản phẩm bột chanh và vỏ chanh, sản phẩm khi được chế biến sẽ có giá tốt hơn rất nhiều”, ông Hiển cho biết.
Sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu cũng là mặt hàng thế mạnh của TP.HCM ở thị trường châu Âu. Hiện nay, thuế suất của mặt hàng này vào châu Âu từ 2-10%, nhưng khi EVFTA có hiệu lực, 83% dòng thuế được sẽ được xóa bỏ. Đây là cơ hội mà nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ ở TP.HCM mong chờ.
Hiện nhiều doanh nghiệp đã có bước chuẩn bị về nguồn nguyên liệu gỗ, đầu tư thêm máy móc, thiết bị, nhà xưởng, đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng cho thị trường này. Bên cạnh đó, Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HaWa) cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn về tiêu chuẩn, chất lượng, xuất xứ hàng hóa… từng loại sản phẩm vào thị trường EU.
Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nên hiệp hội đã xúc tiến thương mại trực tuyến, online. Sang tháng 8, hiệp hội sẽ khai trương sàn giao dịch điện tử về sản đồ phẩm gỗ với hơn 50 showroom, diện tích 25.000 mét vuông.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HAWA cho biết, Hiệp hội sẽ nỗ lực đến cuối năm nay đưa 100 showroom trưng bày trên không gian mạng. Từ cơ hội này cùng sự kết nối của HaWa với Eurocham và các hiệp hội doanh nghiệp khác, sản phẩm của các doanh nghiệp HaWa sẽ tới gần với EU hơn.
TP.HCM sẽ có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thành phố sẽ có chiến lược khai thác sâu thị trường châu Âu, nhất là mặt hàng có lợi thế. Trước mắt, UBND TP HCM đã giao cho các ngành chức năng phải có chương trình cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp. Sở Công Thương phải trình UBND thành phố chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu trước ngày 15/8.
“Các cơ quan chức năng phải tổ chức tập huấn chuyên sâu cho từng doanh nghiệp về quy tắc xuất hàng hóa. Định kỳ hàng quý, tổng hợp những khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu gửi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để thảo luận trong tổ công tác liên ngành giải quyết”, ông Phong định hướng.
EVFTA là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với doanh nghiệp của T PHCM, vì phần lớn doanh nghiệp ở đây đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo thành phố và sự chủ động, nỗ lực của doanh nghiệp, hy vọng hơn 20.000 doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận nhanh và hiệu quả thị trường này./.
Theo VOV.VN