Rung lắc cùng giá vàng

Những bước nhảy của giá vàng trong nước theo bước chân của giá vàng thế giới khiến những người quan tâm đến mặt hàng tài chính này không khỏi băn khoăn.

 

52, 53, 54, 55, 56, rồi 58 triệu đồng/lượng... Những bước nhảy của giá vàng trong nước theo bước chân của giá vàng thế giới khiến những người quan tâm đến mặt hàng tài chính này không khỏi băn khoăn. Nên bán hết số vàng có trong tay hay giữ lại hoặc ào ra rút tiết kiệm để mua vàng?

Chao đảo cùng vàng

Đầu giờ chiều thứ hai, 27/7/2020, cửa hàng chính của Công ty VBĐQ Bảo Tín - Minh Châu, phố Trần Nhân Tông, Hà Nội nhộn nhịp khách, chủ yếu là người mua. Người dăm ba cây (lượng), người một hai chục cây, có  sinh viên cũng mang hơn chục triệu đồng tiết kiệm ra mua 2 chỉ vàng lấy may. Lẫn trong dòng người xếp hàng chờ mua đó, chị Phạm Thị Mạnh ở phố Triệu Việt Vương, Hà Nội, tần ngần không biết có nên bán số vàng đã tích trữ lâu nay không: “Vàng tôi mua từ hồi 30 - 31 (triệu đồng/lượng), thấy giá lên định đem bán nhưng ra đây thấy toàn người mua, sợ còn lên nữa nên đang suy nghĩ”. Nói rồi chị Mạnh khư khư ôm chiếc túi ra ngồi ở dãy ghế được cửa hàng kê sát cửa cho khách giao dịch có thể ngồi theo dõi biến động giá vàng. Chỉ trong 15 phút, dãy ghế đã kín chỗ.

Các cửa hàng vàng thời gian này đang nhộn nhịp khách. Ảnh: k.t

Đứng cạnh quầy trang sức, chị H. trong đồng phục của một công ty vệ sinh công nghiệp cũng đang lăn tăn: mua hay bán, bán hay mua, bên người bạn đồng hành đang ra sức thuyết phục: “Giá tốt thì cứ bán đi chị”.

Một nhân viên của cửa hàng này cho biết, lượng khách hôm nay vắng hơn rất nhiều so với chiều thứ sáu (24/7/2020). Cửa hàng đã phải kê tới 4 - 5 dãy ghế để đón khách, chỉ khác là toàn người bán. Giá vàng tăng đến mức cao chưa từng có trước đó đã khiến người có vàng đổ xô đi bán. Vào thời điểm 24/7/2020, ai có vàng mua lúc 47.000.000 đồng/lượng (tầm tháng 4/2020) thì sau 3 tháng đã có lãi khoảng 5 - 6 triệu đồng/lượng.

Những băn khoăn, thận trọng của chị Mạnh, chị H. không phải là không có lý, khi mà chỉ qua một đêm, giá vàng trong nước thời điểm đầu giờ sáng 28/7/2020 đã lên đến mức cao chưa từng thấy trong lịch sử. Vàng SJC (thương hiệu vàng nhà nước) mua vào ở mức 56.000.000 đồng/lượng, bán ra 58.000.000 đồng/lượng, giá mua và giá bán chênh 2.000.000 đồng/lượng. Cùng thời điểm đó, giá vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng lên mức gần 56.000.000  đồng/lượng. Chỉ ít phút sau đó, giá vàng SJC lập đỉnh mới bán ra 58.100.000 đồng/lượng. Mức giá này chỉ giảm vào buổi trưa và suốt cả chiều 28/7/2020 giá vàng SJC vẫn duy trì ở mức bán ra 57.000.000 - 57.250.000 đồng/lượng.

Giá vàng tăng đột biến, chuyên gia kinh tế nói gì?

Giá vàng tăng có thể là bất ngờ với người dân nhưng hoàn toàn không bất ngờ với các chuyên gia. Từ cách đây gần 2 tháng, thạc sĩ tài chính - kinh tế Nguyễn Hà Uyên, website giaodich24.net đã tư vấn các nhà đầu tư: giá vàng trong vòng 24 tháng tới có thể lên đến xấp xỉ 3.000 USD/ounce, tương đương khoảng 80 triệu đồng/lượng. Tương tự, cuối tuần trước, chuyên gia tài chính, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cũng đã nhận định: giá vàng thế giới có khả năng lên mức 2.000 USD/ounce và giá vàng trong nước có khả năng tăng đến 55.000.000 đồng/lượng với xác suất 70% trong vòng 3 tháng tới. Chỉ một ngày sau dự báo của ông Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng thế giới đã tăng đến 1.945 USD/ounce và vàng trong nước đã vượt ngưỡng 56.000.000 đồng/lượng.

Lý giải nguyên nhân giá vàng tăng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam đang rất nghiêm trọng, cuộc chiến thương mại và chính trị Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng. Tình hình chính trị tại Mỹ cũng đang rất căng thẳng với cách xử lý không nhất quán của Tổng thống Donald Trump với dịch bệnh Covid-19 và khả năng của ông Trump ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ ngày càng suy giảm”.

Đồng quan điểm này, ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cao cấp Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, kinh tế toàn cầu suy thoái, khiến nhiều nhà đầu tư và các quỹ đầu tư tháo chạy khỏi chứng khoán, bất động sản... để tìm đến hầm trú ẩn an toàn là vàng. Thêm vào đó, các chính phủ liên tiếp áp dụng các gói cứu trợ, bơm tiền ra để cứu vãn nền kinh tế cùng với việc các ngân hàng trung ương giảm lãi suất về 0% càng khiến người dân không yên tâm với giá trị của đồng tiền và bắt buộc tìm chỗ trú ẩn mới. Lãi suất giảm, lượng tiền mặt tăng khiến lạm phát có nguy cơ tăng và người dân các nước đều coi vàng là công cụ phòng chống lạm phát. Cùng với đó là những bất ổn địa chính trị giữa Mỹ với Trung Quốc suốt thời gian qua cũng khiến nhà đầu tư sợ những rủi ro chính trị ảnh hưởng đến kinh tế. Khi những trợ lực này còn thì giá vàng sẽ còn tăng trong ngắn hạn.

Ứng xử thế nào với thị trường vàng?

Biến động của thị trường vàng khiến người có tiền nhàn rỗi không khỏi băn khoăn: Liệu có nên rút tiết kiệm mua vàng?, còn nhà đầu tư thì nghe ngóng, bán vàng thời điểm này có lợi hay không?

Trước những câu hỏi này, thạc sĩ Nguyễn Hà Uyên cho rằng: các nhà đầu tư cần tỉnh táo khi quyết định mua bán: “Lúc này, mua vàng để lướt sóng hay đầu cơ đều không nên vì giá vàng đã ở mức quá cao. Hơn nữa, với mức chênh lệch giá mua - bán cả triệu đồng/lượng có nghĩa là rủi ro đã đẩy về phía người mua vì vừa mua xong đã lỗ ngay 1 triệu đồng/lượng. Thời gian tới thị trường sẽ có điều chỉnh giảm, khi ấy nhà đầu tư nên chớp lấy cơ hội”.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tái xuất hiện ở Việt Nam với những diễn biến khó lường, điều mà đông đảo người dân quan tâm là biến động giá vàng có tác động mạnh tới giá cả các mặt hàng thiết yếu khác hay không, giá vàng tăng mạnh như vậy có phải là tiền đồng Việt Nam đã mất giá quá sâu hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - khẳng định: “Nếu nói là mất giá thì tất cả các đồng tiền trên thế giới đều mất giá so với giá vàng, kể cả các đồng tiền mạnh. Tuy nhiên việc xác định giá trị đồng tiền còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác, đặc biệt là sự tăng trưởng của nền kinh tế. Hiện tại, đến thời điểm này thì Việt Nam tạm coi là vẫn thành công trong việc duy trì mức tăng trưởng dương trong bối cảnh thế giới không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm. Còn việc giá vàng tăng hay giảm không ảnh hưởng nhiều đến đời sống cũng như giá cả những hàng hóa khác”.

Để giảm nhiệt cho giá vàng trong nước khi giá trong nước vẫn cao hơn giá thế giới quy đổi tới 2 - 3 triệu đồng/lượng, ông Nguyễn Thành Long đề xuất: “Nhà nước nên cho phép một số doanh nghiệp có đủ điều kiện và uy tín sản xuất vàng trở lại, từ nguồn vàng phân kim, để đảm bảo nguồn cung vàng vật chất ra thị trường”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận