Thanh Hóa thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư

Tích cực, chủ động trong thực hiện '2 đồng hành', '3 cam kết' cùng nhiều giải pháp đồng bộ, Thanh Hóa đã khẳng định được sức hấp dẫn về môi trường đầu tư.

 

“2 đồng hành” và “3 cam kết”

Là một tỉnh lớn của Bắc Trung bộ, ở vị trí trung chuyển Bắc - Nam và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ nên mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành điểm đến, là “miền đất hứa” của các nhà đầu tư trong và ngoài nước luôn là mục tiêu cốt lõi của các Nghị quyết xuyên suốt các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2020 cũng vậy, vấn đề thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các giải pháp thực hiện để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được đặc biệt quan tâm. Theo đó, đến năm 2020, Thanh Hóa đảm bảo mức độ hài lòng của cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với việc giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 90%. Rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, bảo đảm hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư giảm từ 35 ngày còn 24 ngày làm việc (giảm 30%); cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giảm từ 5 ngày còn 3 ngày làm việc (giảm 40%); cấp giấy phép quy hoạch 22 ngày làm việc (giảm 51%); cấp giấy phép xây dựng giảm 50%; giao đất, cho thuê đất giảm 40%; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường giảm 36%; thời gian tiếp cận điện năng còn 27 ngày; thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 110 giờ/năm....

Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Đặc biệt, khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh Thanh Hóa luôn thực hiện “2 đồng hành” và “3 cam kết”, đó là: Đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư, khi nhà đầu tư lựa chọn được địa điểm và tiếp tục đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương”. Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, tỉnh chủ động thực hiện “3 cam kết”: Cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của nhà đầu tư; Cam kết đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; Cam kết đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án”. Ngày 20 hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các ngành duy trì lịch tiếp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; đồng thời, chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí thời gian ít nhất 1 ngày trong tháng để tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp…

Những kết quả tích cực

Theo số liệu công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa năm 2019 đạt 65,64 điểm, đứng thứ 24 (thuộc nhóm khá) cả nước, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung bộ, tăng 1 bậc so với năm 2018, tăng 7 bậc so với năm 2016, trong đó có 7/10 chỉ số thành phần được cải thiện và tăng điểm so với năm 2018. Cụ thể, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục duy trì trong top 10 cả nước, xếp hạng 9/63; Tính minh bạch xếp hạng 12/63, tăng 24 bậc; Gia nhập thị trường của doanh nghiệp xếp hạng 21/63, tăng 29 bậc; Chi phí không chính thức xếp hạng 33/63, tăng 23 bậc; chất lượng lao động xếp hạng 33/63, doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng lao động phù hợp với ngành nghề kinh doanh xếp hạng 12/63...

Với hàng loạt đổi mới tích cực, mạnh mẽ, đến nay Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương năng động trong thu hút đầu tư, thực sự trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư có uy tín trong nước và quốc tế.

        Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, Thanh Hóa đã thu hút được 90 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó, có 78 dự án đầu tư trong nước và 12 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), bằng 94,7% về số dự án so với cùng kỳ. Tổng số vốn đầu tư đăng ký 16.203 tỷ đồng và 233,3 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư 5 dự án, với tổng số vốn đầu tư tăng thêm 95,1 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh còn 132 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 14,245 tỷ USD. Đặc biệt, trong tháng 6/2020, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư trong bối cảnh cả thế giới đang chung tay chống đại dịch Covid-19, là địa phương đầu tiên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư ngay sau khi Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội, cả nước đang thực hiện nhiệm vụ kép “vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa chống dịch hiệu quả”. Tại Hội nghị đã có 19 dự án được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 56,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD và ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 15 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 285 nghìn tỷ đồng, tương đương 12,5 tỷ USD. Đây là Hội nghị xúc tiến đầu tư có số dự án và số vốn thu hút đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh và cũng là điểm nhấn khẳng định Thanh Hóa đã thực sự trở thành điểm đến của các nhà đầu tư./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận