Kích thích động lực tăng trưởng

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay đạt 4,0 - 4,1%. Vậy cần làm gì để đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng?

 

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay  đạt 4,0 -  4,1%. Đây là một dự báo tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm tới 5,2% như dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB). Vậy cần làm gì để đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng?

Cần chính sách đặc biệt  cho hoàn cảnh đặc biệt

Cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia mới đây đã thống nhất kịch bản tăng trưởng GDP từ 3% - 4%, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Cơ sở để đưa ra kịch bản này là dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam còn khá lớn cho kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, cần những giải pháp thực sự hiệu quả để thu hút đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, nguồn vốn FDI, đi liền với đó là cải thiện môi trường đầu tư. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Nếu bỏ lỡ cơ hội thu hút nguồn vốn xã hội, nguồn vốn FDI khu vực và toàn cầu trong lúc dịch chuyển các dòng vốn thì là một khuyết điểm, sai lầm lớn”.

Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), phân tích: “Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2020 thấp kỷ lục, thấp hơn rất nhiều so với kịch bản xấu nhất được đưa ra trước đó, nhưng do Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh từ giữa tháng 4, nên đến nay mọi hoạt động của nền kinh tế dần phục hồi và ngày càng tốt lên”.

Theo phân tích của Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, Việt Nam có 7 điểm sáng, đó là kiểm soát tốt được dịch bệnh; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và nông nghiệp đạt mức tăng trưởng tích cực; kinh tế - xã hội có sự phục hồi rõ nét; tỷ giá ổn định, lãi suất giảm; tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế tích cực; thị trường chứng khoán phục hồi tích cực sau khi kiểm soát dịch bệnh.

Tin tưởng vào cơ sở của kịch bản tăng trưởng này, nhưng Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng: “Khi đưa ra mục tiêu tăng trưởng 3% - 4% năm 2020, Thủ tướng đã phải tính toán rất kỹ và có 5 mục tiêu giải pháp cơ bản. Tuy nhiên, theo tôi, điều cần lưu ý nhất là kiềm chế lạm phát, vì nếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá thì sẽ rất khó kiểm soát lạm phát. Chúng ta đã có bài học xương máu từ khủng hoảng tài chính tiền tệ 2007 - 2008. Với độ mở của nền kinh tế lớn như hiện nay, lạm phát nếu không được kiểm soát sẽ gây tác hại lớn hơn rất nhiều”.

Tính đến hết tháng 6/2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng ở mức 3,26%, còn rất xa mục tiêu 14% cả năm. 3,26% là con số dễ hiểu bởi dịch Covid-19 và phù hợp với mức tăng trưởng GDP của Việt Nam 6 tháng chỉ đạt 1,81%. Nhưng nếu so sánh với cùng kỳ thì đây rõ ràng là con số rất thấp, 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng tín dụng là 7,36% và 6 tháng năm 2018 là 7,82%.

Đây cũng là điều Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc e ngại. Thủ tướng nhận xét, nếu thúc đẩy quá nóng giải pháp kích thích kinh tế, cả về tài khóa và tiền tệ thì nguy cơ sau đó của các giải pháp này là khủng hoảng nợ công, khủng hoảng hệ thống tài chính, tiền tệ và nợ xấu có thể xảy ra và nếu xảy ra thì cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục đẩy thế giới lún sâu vào suy thoái nặng nề hơn. Với độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, cần chú ý các nguy cơ này trong điều hành cụ thể.

“Hoàn cảnh đặc biệt hiện nay đòi hỏi phải có những chính sách đặc biệt, nhất là đối với những lĩnh vực mới, để có chính sách đặc thù phù hợp, sát thực tiễn, phản ánh được hơi thở, yêu cầu của nền kinh tế và của người dân, doanh nghiệp” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Khu công nghiệp Long Hậu, Long An (ảnh minh họa)

Gỡ điểm nghẽn giải ngân đầu tư công

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm và đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2020 từ 3% - 4%, chúng ta sẽ phải đáp ứng được 2 mục tiêu: một là thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thu hút những đơn hàng mới và đối tác đầu tư mới đang rời Trung Quốc tìm cơ hội đầu tư ở quốc gia khác; hai là thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Chuyên gia kinh tế Bùi Đức Thụ phân tích: “Phải có giải pháp để tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, thu hút dòng vốn vào kinh doanh. Đồng thời, chú trọng các giải pháp thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu vì đây là một nguồn đóng góp quan trọng cho tăng trưởng”.

Những số liệu được công bố gần đây cho thấy tiến độ giải ngân đầu tư công đang vô cùng chậm chạp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công có nguồn vay nước ngoài (ODA) trong cả nước chỉ đạt 13,1%. Đáng chú ý là có tới 22 tỉnh thành không giải ngân được một đồng nào trong nguồn vốn ODA đã được giao từ rất sớm. Ngay cả hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP.HCM tiến độ giải ngân cũng rất chậm.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thẳng thắn bình luận: “Tắc đầu tư công có rất nhiều vấn đề. Thứ nhất là tiền vốn. Năm nay thu ngân sách thấp nên chỉ có vốn vay nước ngoài và vốn trái phiếu Chính phủ. Thứ hai đầu tư công phần lớn là các công trình kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi thì dính dáng đến đất. Giá đất thị trường rất cao trong khi giá đất Nhà nước thấp dẫn đến một số quan chức lợi dụng chức quyền để hưởng lợi từ chênh lệch giá đất, gây ra ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng”.

Xuất nhập khẩu là một trong những động lực tăng trưởng chính (KT)

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: Ách tắc trong giải phóng mặt bằng chính là điểm nghẽn cơ bản trong giải ngân đầu tư công, đặc biệt là giải ngân vốn ODA. Và cũng không loại trừ những tiêu cực đằng sau những ách tắc đó. Đây chính là lý do mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đưa tốc độ giải ngân đầu tư công vào tiêu chí đánh giá năng lực hoàn thành nhiệm vụ của các địa phương và xem xét trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - có một thực tế: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Việt Nam bình quân 32 - 33% GDP là mức khá cao hiện nay, nhưng hiệu quả đầu tư còn thấp. Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng thì cần thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó quan trọng nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm chi phí đầu tư. Chi phí đầu tư cả tài chính lẫn thời gian, nhân lực giảm, thì hiệu quả đầu tư sẽ được nâng lên.

Đối với nỗ lực gia tăng đơn hàng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam - cho rằng: Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn do dịch bệnh như hiện nay thì trước mắt, Chính phủ, Nhà nước phải là “người mua hàng lớn nhất” đối với các sản phẩm “Made in Việt Nam”.

Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế 2020?

Không quá lạc quan, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương(CIEM) đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020. Theo đó, kịch bản đầu tiên dự báo, tăng trưởng GDP là khoảng 2,1%. Các chỉ số cơ bản của nền kinh tế đều giảm so với năm 2019, trong đó xuất khẩu cả năm có thể giảm 3,1%, thặng dư thương mại theo đó ước chỉ đạt 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, lạm phát vẫn có khả năng vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra, đạt 4,3%.

Ở kịch bản thứ hai, mức tăng trưởng có thể đạt cao hơn ở mức 2,6%, thặng dư cán cân thương mại đạt cao hơn, khoảng 2,1 tỷ USD trong năm 2020. Ðáng chú ý, lạm phát trong kịch bản này cao hơn mục tiêu 4% của Quốc hội, có thể lên tới 4,5%. Do đó, lạm phát là yếu tố cần được theo dõi để có các giải pháp kiểm soát phù hợp, tránh để ảnh hưởng tới mục tiêu điều hành giá cả cũng như tăng trưởng kinh tế.

Cần cảnh giác với lạm phát (ảnh minh họa)

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào xuất nhập khẩu. Hiện nay xuất nhập khẩu đã lên đến 210% GDP, riêng xuất khẩu bằng 100% GDP. Năm nay xuất khẩu của chúng ta bị ảnh hưởng lớn bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Liên minh châu Âu...đang bị dịch Covid nặng nề nên nhu cầu giảm sút. Do đó chúng ta phải nỗ lực rất lớn trong tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa thị trường và tìm kiếm các đối tác mới. Để đón làn sóng chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc, quan trọng là Việt Nam có đáp ứng được các yêu cầu về môi trường kinh doanh hay không. Nếu tranh thủ được làn sóng này, chúng ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay, thậm chí cả những năm tiếp theo. “Tất cả phụ thuộc vào cải cách của chúng ta. 54% doanh nghiệp được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam điều tra về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đều nói vẫn phải mất phí “bôi trơn”. Những cái đó làm cho chi phí kinh doanh ở Việt Nam cao hơn và làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Như vậy muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng thì phải cải cách mạnh mẽ thể chế như Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu, cùng với công khai, minh bạch và vận dụng mạnh mẽ kinh tế số, Chính phủ điện tử” - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% - 4% năm 2020, Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng theo từng quý, kể cả tình hình lạm phát, thường xuyên kiểm điểm, đánh giá thực hiện và có đối sách với vấn đề cấp bách, phát sinh. Mục tiêu năm 2020 và đầu 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3 - 4% GDP, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu./.

 

Ảnh: internet

 

Bình luận

    Chưa có bình luận