Chỉ trong một tuần qua, giá lợn hơi đã giảm tới hơn 10.000 đồng/kg, xuống mức dưới 90.000 đồng/kg. Nhiều người cho rằng, giá này sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới khi lợn Thái Lan được nhập khẩu vào Việt Nam, song một số ý kiến lại cho rằng thị trường sẽ khó giảm sâu.
Đà giảm giá lợn bắt đầu từ khi có thông tin nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam phục vụ nhu cầu thịt nóng của người dân.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết có rất nhiều công ty đăng ký nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam. Trong đó, có công ty đăng ký tới 100.000-200.000 con. Tính đến nay, các doanh nghiệp đã đăng ký nhập khẩu khoảng 1 triệu con lợn sống, việc này góp phần tăng nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, thời gian tới giá lợn sẽ còn tiếp tục đi xuống. Nguyên nhân là vì nguồn cung đàn lợn trong nước đã đạt 24,89 triệu con, bằng 80,3% tổng đàn trước khi có dịch tả heo châu Phi. Và từ tháng 6/2020 đã bắt đầu có thịt lợn tái đàn.
Bên cạnh đó, thịt lợn đông lạnh nhập khẩu đã về Việt Nam khoảng 70.000 tấn, giờ nhập thêm lợn sống thì chắc chắn giá lợn trong nước không thể bán với giá cao như vừa rồi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.
Tuy nhiên, một số người có kinh nghiệm trong ngành chăn nuôi cho rằng trong thời gian tới, thị trường khó có thể giảm sâu. Thực tế, dù giá lợn hơi trong những ngày gần đây có xu hướng giảm liên tiếp, nhưng không giảm nhiều, chỉ nhúc nhích giảm vài nghìn đồng mỗi kg.
Ông Phạm Bá Thắng – một thương lái lâu năm tại Chợ đầu mối gia súc, gia cầm ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (nơi buôn bán lợn lớn nhất miền Bắc) cho hay, trong thời gian khoảng 2 tuần trở lại đây, giá heo hơi có xu hướng giảm liên tục, song không thể giảm nhiều.
"Do thời tiết nắng nóng, cùng với đó là thông tin sẽ có lượng lớn nguồn lợn hơi nhập khẩu từ Thái Lan chuẩn bị được đưa ra thị trường khiến giá heo giảm nhẹ. Tuy nhiên, số lượng nhập khẩu chỉ có hạn trong khi nguồn cung heo hơi ở trong nước thì ngày càng ít, nên giá khó có thể giảm sâu trong thời gian tới" – ông Thắng nhận định.
Do nguồn cung lợn trên toàn cầu hiện đều thiếu, ông Nguyễn Tất Thắng – Tổng thư kí Hiệp hội Chăn nuôi, cũng dự đoán giá lợn hơi không thể giảm quá sâu xuống mức 70.000 đồng/kg.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cho biết kế hoạch nhập khẩu lợn sống được triển khai từ cuối năm 2019. Khi đó, cục đã gửi nhiều văn bản cho các cơ quan liên quan của các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia đề nghị cung cấp tài liệu cho Việt Nam về đánh giá rủi ro khi nhập khẩu heo sống. Trong số những quốc gia này, Thái Lan là nước rất quan tâm nên đã cung cấp đầy đủ hồ sơ cho Việt Nam để tổ chức đánh giá rủi ro.
Thông qua các tài liệu mà Thái Lan gửi và qua các cuộc họp trực tuyến giữa hai bên, lấy thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới cũng như ghi nhận tình hình thực tế trong nhiều năm qua chúng ta đã nhập nhiều lô heo giống từ Thái Lan vào Việt Nam đều đảm bảo an toàn dịch bệnh. Cục Thú y cũng đã hoàn tất việc phân tích rủi ro nhập khẩu heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm - ông Đông cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Đỗ Thế Trọng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam – một trong những địa phương có số lượng hộ chăn nuôi lớn nhất cả nước, cho biết, theo chủ trương của UBND tỉnh Hà Nam, trong thời gian tới tỉnh sẽ phê duyệt đề án tái đàn, hỗ trợ các hộ chăn nuôi trên địa bàn bằng một số mô hình lợn đực giống, lợn nái (10 con/1 mô hình) với mức hỗ trợ giảm 50% tiền giống.
Nguồn lợn giống hiện nay rất khan hiếm, nhiều hộ đã lặn lội vào các tỉnh miền Nam, thậm chí sang Lào, Thái Lan (theo con đường tiểu ngạch) để tìm kiếm nguồn con giống nhưng cũng chưa đủ đáp ứng nguồn cầu. Hy vọng thời gian tới, với các chính sách tái đàn tại nhiều địa phương, sẽ từng bước hỗ trợ các hộ chăn nuôi vê con giống, tiến tới đáp ứng nguồn cung lợn hơi trên thị trường" – đại diện Phòng Nông nghiệp huyện thông tin thêm./.
Trần Ngọc/VOV.VN