Kích cầu tiêu thụ nội địa không ít thách thức

Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như mỹ phẩm, làm đẹp, quần áo thời trang phải chật vật thu hút lại khách hàng bằng hàng loạt chiêu kích cầu

          Đã một tháng nay, chủ một cửa hàng bán nước hoa trực tuyến tuyên bố nghỉ bán hàng. Dù lý do công khai là bận nhiều việc, nhưng nguyên nhân thực tế là khách hàng đang thắt chặt chi tiêu, lượng hàng bán ra thấp, trong khi chi phí kinh doanh không giảm nên trước mắt doanh nghiệp này phải tạm ngừng để cơ cấu lại hoạt động.

          Tương tự, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như mỹ phẩm, làm đẹp, quần áo thời trang cũng phải chật vật thu hút lại khách hàng bằng hàng loạt chiêu kích cầu như khuyến mãi, giảm giá, tặng quà…

          Phục hồi kinh tế sau đại dịch là việc làm khó khăn, vì sản xuất của nước ta chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Công tác nghiên cứu thị trường, tổ chức sản xuất phục vụ thị trường trong nước chưa được đầu tư đúng mức. Ngay cả nếu doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu thị trường vào thời điểm này thì chắc chắn gặp nhiều khó khăn khi nguồn lực hạn chế, nguyên phụ liệu đầu vào khan hiếm do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.

          Trong khi đó, do sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đình trệ nên khả năng tiêu dùng của người dân cũng giảm sút. Người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chỉ bỏ tiền cho những khoản chi thiết yếu, không thể từ chối. Và cứ thế, vòng xoáy ngày càng thắt chặt đối với doanh nghiệp.

          Các cơ quan chức năng và bản thân cộng đồng doanh nghiệp đang có nhiều biện pháp tích cực để thúc đẩy nhu cầu sử dụng kinh doanh dịch vụ như chuyển đổi sản xuất kinh doanh, hướng tới những mặt hàng thiết yếu trong và sau dịch như khẩu trang, nước rửa tay, trang thiết bị phòng hộ, lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu. Cùng với đó là các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu du lịch được triển khai từ trung ương đến địa phương như xúc tiến tiêu thụ vải trực tuyến ở Bắc Giang hay chương trình người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Nhưng để những chương trình này thực sự hiệu quả thì cần sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều địa phương khác nhau như hải quan, thuế vụ, quản lý thị trường, quản lý văn hóa… Đặc biệt là để kích cầu du lịch nội địa thì ngành giáo dục các địa phương cần làm gọn hơn chương trình năm học 2019 - 2020, nâng cao hiệu quả dạy và học online để có thể kết thúc năm học trong tháng 6/2020, bởi nếu kéo dài chương trình học một cách cứng nhắc thì khi kết thúc năm học cũng chuẩn bị vào mùa mưa bão và các gia đình sẽ không thể cho con em đi du lịch hè như thông lệ các năm.

          Kích cầu nội địa trong bối cảnh thu nhập của người dân giảm sút, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là bài toán khó tìm ra lời giải. Do vậy cần có chính sách đồng bộ, linh hoạt nhưng vẫn thận trọng để tránh kích cầu quá mạnh dẫn đến lạm phát cao như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2007 - 2008./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận