Giá thịt lợn và hiệu lực quản lý

Cuối tháng 3/2020, Thủ tướng cho phép các doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhập khẩu thịt lợn từ Nga với mong muốn giá thịt lợn bình ổn và dần về mức trước đây

Cuối tháng 3/2020, Thủ tướng cho phép các doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhập khẩu thịt lợn từ Nga với mong muốn giá thịt lợn đang tăng phi mã thời điểm đó được bình ổn và dần trở về mức thịt lợn hơi dưới 60.000 đ/kg như trước đây.

Thế nhưng, đáp lại mong mỏi của Thủ tướng và người dân, các doanh nghiệp này đều khẳng định, đến tháng 10 năm nay giá thịt lợn mới giảm. Thực tế là dù các phương tiện thông tin đại chúng liên tục thông tin về những chuyến thịt lợn nhập khẩu đang nối nhau cập cảng, nhưng nếu khách hàng có hỏi người bán, thì sẽ nhận được câu trả lời phũ phàng: “Lên tivi mà mua giá rẻ”.

Và họ nói không sai, vì họ mua vào từ các doanh nghiệp như thế nào, thì sẽ bán ra cho người dân như thế. Ngay tại các siêu thị, được coi là điểm bình ổn giá mỗi khi người tiêu dùng muốn tìm đối trọng với tình trạng giá chao đảo tại chợ, giá thịt lợn vẫn thường xuyên được cập nhật theo chiều hướng tăng. Đặc biệt là trong 21 ngày giãn cách xã hội, đã có khách hàng với 500.000 đồng chỉ có thể mua chưa đến 2kg thịt các loại, tính bình quân lên tới trên dưới 250.000 đồng/kg.

Cùng thời điểm đó, trên mạng xã hội Facebook và nhiều kênh bán hàng online khác bắt đầu có những rao bán thịt nhập khẩu từ Nga với giá bán 140.000 đ/kg thịt ba chỉ, trong khi giá tương ứng tại các chợ vẫn là 170.000 đ/kg.

Bình ổn giá thịt lợn hiện tại có lẽ không khác nhiều lắm so với bình ổn giá dầu ăn hay sữa công thức trước đây. Dù ngành chức năng cố gắng khống chế chi phí quảng cáo; chuẩn hóa bằng các tên gọi như sữa công thức, thức uống dinh dưỡng...; yêu cầu công khai thành phần; báo cáo khi điều chỉnh giá đối với sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi... nhưng tất cả không thay đổi được một thực tế là giá sữa, giá dầu ăn vẫn nằm trong tay các “ông lớn”, và họ có đủ chiêu trò “lách luật” để có thể tăng giá.

Một số chuyên gia tài chính và thương mại cho rằng, dù mang danh là thị trường cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp tham gia, nhưng trên thực tế, chỉ có một vài doanh nghiệp lớn được phép nhập khẩu dầu ăn, sữa hoặc thịt heo. Vì vậy, chuyện bắt tay nhau làm giá hoàn toàn có thể xảy ra.

Vấn đề bình ổn giá thịt lợn một lần nữa lại được Thủ tướng nhắc đến trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 với rất nhiều trăn trở. Thủ tướng nêu rõ quan điểm là giải quyết căn cơ, bài bản vấn đề giá thịt lợn cao nhưng cũng tránh làm tổn hại đến lợi ích người nông dân, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi.          

Để thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng, một trong những giải pháp quan trọng là mở rộng diện doanh nghiệp được nhập khẩu thịt lợn cũng như diện thịt được nhập khẩu, bởi có một thực tế cho thấy cuối tháng 5 giá thịt đã có xu hướng giảm khi có thông tin sẽ nhập khẩu cả lợn nguyên con. Đồng thời, cũng cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để thanh tra, kiểm tra, thậm chí điều tra hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh mặt hàng thiết yếu này, cần thiết thì phải xử lý hình sự. Nếu không, dù quý 1/2020 các “ông lớn” kinh doanh thịt lợn báo lãi hàng trăm tỷ đồng trong bối cảnh dịch bệnh (lợi nhuận sau thuế của Vissan 46,4 tỷ đồng; Dabaco 328 tỷ đồng; CTCP chăn nuôi Mitraco 22,1 tỷ đồng; Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam 53,9 tỷ đồng…), người tiêu dùng cũng chẳng thấy vui./.

Bình luận

    Chưa có bình luận