Phục hồi ra sao sau đại dịch?

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) - chỉ số đo sức khỏe lĩnh vực sản xuất - của Việt Nam đang ở mức rất thấp, chỉ còn 32,7 điểm trong tháng 4/2020

21 ngày thực hiện lệnh giãn cách xã hội cùng với sự đình trệ trước đó khiến cho chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) - chỉ số đo sức khỏe lĩnh vực sản xuất - của Việt Nam đang ở mức rất thấp, chỉ còn 32,7 điểm trong tháng 4/2020. Mặc dù con số này vẫn tích cực hơn nhiều nền kinh tế khác ở châu Á cũng như bối cảnh chung của toàn thế giới, nhưng tương lai phục hồi của nền kinh tế vẫn rất khó đoán định.

Khó khăn lớn nhất là sự đình trệ của toàn thế giới khiến cho sản xuất hàng hóa của Việt Nam bế tắc cả đầu vào và đầu ra. Các nước cung ứng nguyên phụ liệu, linh kiện chủ yếu phục vụ các ngành sản xuất, lắp ráp, gia công trong nước đều đang giảm mạnh lượng hàng sản xuất ra. Chỉ số PMI đang sụt giảm mạnh trên toàn cầu do đại dịch Covid-19 và lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội ở nhiều quốc gia. Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Tất cả tạo nên một vòng luẩn quẩn: Sản xuất đình trệ thì không có việc làm, không có việc làm thì không có thu nhập, không có thu nhập sẽ hạn chế chi tiêu, hạn chế chi tiêu lại không kích thích được sản xuất. Vòng luẩn quẩn đó cho thấy một tương lai không mấy sáng sủa đối với kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó vẫn có thể nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, đó là Việt Nam về cơ bản đã khống chế được đại dịch và chuyển sang “trạng thái bình thường mới”: Vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây là tiền đề thuận lợi để Chính phủ chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.

Tuy nhiên, muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khôi phục sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì điều kiện tiên quyết là tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh trước đây. Cần xem trọng thị trường nội địa và sản xuất nông nghiệp, đầu tư nhiều hơn vào các nghiên cứu khoa học phục vụ công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới.

Cùng với các chính sách vĩ mô dài hơi, trước mắt vẫn cần có sự cảm thông, chia sẻ giữa Nhà nước, các doanh nghiệp đặc biệt và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực văn phòng cho thuê, để giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và người kinh doanh có thể vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt bằng việc hoãn, giãn, giảm các nghĩa vụ tài chính trong một thời gian, tiếp tục giảm giá điện ở mức sâu hơn nữa, miễn, giảm tiền thuê mặt bằng…

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%. Thủ tướng cũng chỉ ra 5 mũi đột phá để đạt mục tiêu này là  thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.

Bình luận

    Chưa có bình luận