Giải pháp nào để đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng?

IMF giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 2,7%. Trong 2 kịch bản của WB cho Đông Á - Thái Bình Dương, Việt Nam có thể tăng trưởng 1,5% hoặc 4,9%

 

Đầu năm 2020, các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới WB hay Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đều lạc quan dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt mức trên dưới 7%, trên đà tăng trưởng đáng khích lệ của 2019. Chính phủ đã chuẩn bị rất nhiều để phấn đấu đạt được mức tăng trưởng đó.

Thế nhưng, dịch Covid-19 - được chính Tổ chức Y tế thế giới WHO công bố ở mức đại dịch toàn cầu - đã đảo lộn mọi dự tính trước đó. IMF đã giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ mức 7% trước đó xuống còn 2,7%. WB thì có 2 kịch bản dành cho Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó kịch bản xấu nhất Việt Nam chỉ tăng trưởng 1,5%, vẫn cao gần gấp đôi mức tăng trưởng chung của khu vực. Ở kịch bản tích cực hơn cũng chỉ được 4,9%.

Dù là con số nào thì điều đáng mừng là Việt Nam được dự báo tăng trưởng dương chứ không phải là 0% như viễn cảnh chung của thế giới trong dự báo đầu tháng 3 của hãng tin Bloomberg hay -3% như dự báo mới nhất của IMF. Câu hỏi đặt ra là cần làm gì để có thể đạt được kỳ vọng tăng trưởng dương này?

 Với độ mở của nền kinh tế lớn, cơ hội để Việt Nam phục hồi kinh tế phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài. Trong bối cảnh dịch bệnh lan ra toàn thế giới như hiện nay, nguy cơ nhiều khoản vốn đầu tư nước ngoài bị rút về, đồng thời các quốc gia cũng tập trung nguồn lực cho chống dịch và duy trì kinh tế trong nước. Điều đó cũng có nghĩa là thị trường và nguồn lực của doanh nghiệp Việt Nam bị thu hẹp đáng kể. Muốn vực dậy nền kinh tế, trước hết phải “cứu” doanh nghiệp. Việc “cứu” doanh nghiệp cần được chung tay từ cơ quan quản lý, khối doanh nghiệp đặc biệt (điện lực, nước sạch, ngân hàng) đến người tiêu dùng.

 Một hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp lúc này chính là giảm giá đầu vào sản xuất, đặc biệt là giá điện, nước bởi hai yếu tố này đang chiếm 10 - 50% giá thành sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Việc khoanh nợ, giãn nợ, giãn các nghĩa vụ tài chính bắt buộc như bảo hiểm xã hội, giảm lãi suất cho vay cũng cần được thực hiện một cách minh bạch, công bằng để mọi doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Cần ưu tiên mặt bằng “sạch” và các điều kiện khác để doanh nghiệp có thể xây dựng kho bãi đề phòng những bất ổn cung cầu.

Gánh nặng chi phí của doanh nghiệp

Để giữ được nguồn vốn đầu tư nước ngoài, các Bộ ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết tâm của Chính phủ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Nhưng quan trọng nhất là nỗ lực của chính doanh nghiệp, doanh nghiệp Việt cần xác định tư duy chiến lược tập trung vào thị trường trong nước cũng như nâng cao chất lượng và phẩm cấp sản phẩm để giữ thị trường bên ngoài. Thị trường trong nước đang là “điểm tựa” vững chắc cho doanh nghiệp, với điều kiện sản phẩm phải phù hợp với nhu cầu tiêu dùng nội địa./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận