Một tháng qua, hoạt động xuất khẩu gạo bất chợt trở thành điểm nóng trên báo chí cũng như mạng xã hội. Ngày 23/3/2020, Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương tạm dừng xuất khẩu gạo. Ngày 24/3/2020, Tổng cục Hải quan có điện hỏa tốc gửi các Cục hải quan tỉnh, thành phố và một số đơn vị trực thuộc yêu cầu tạm dừng thông quan các lô hàng xuất khẩu gạo từ 0h ngày 24/3/2020. Nhưng chỉ mấy tiếng đồng hồ sau đó, chính Bộ Công Thương lại đề xuất cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn xảy ra khi Chính phủ cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020, và ngành hải quan cho mở tờ khai xuất khẩu gạo trực tuyến lúc 0h ngày 12/4/2020 mà không có bất cứ thông báo nào trước đó. Với thời gian mở tờ khai không nằm trong bất kỳ khung giờ làm việc nào, hàng chục doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn dù đã tập kết đủ hàng tại cảng vẫn không mở được tờ khai, còn nhiều doanh nghiệp truyền được tờ khai nhưng chưa có hàng hoặc hàng hóa chưa tập kết đủ tại cảng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp và dư luận đặt câu hỏi có câu chuyện bất thường ở đây.
Nhưng đáng buồn hơn nữa là báo cáo của Tổng cục Dự trữ quốc gia ngày 15-4-2020 cho thấy có hàng chục danh nghiệp đã ký hợp đồng hoặc trúng thầu bán gạo cho cơ quan dự trữ quốc gia nhưng đã đơn phương hủy hợp đồng, chấp nhận chịu phạt 1,5% đến 2% giá trị hợp đồng để bán ra nước ngoài với giá cao hơn chỉ 1.383 đồng/kg (10.300 đồng/kg so với 8.917 đồng/kg). Có thể kể ra đây những cái tên như: Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, nhưng lại đăng ký 8 tờ khai xuất khẩu số lượng 7.200 tấn. Công ty Phát Tài đã một mình đăng ký tới 5 đơn hàng xuất khẩu gạo lúc 0 giờ ngày 12-4-2020 với số lượng 13.000 tấn bất chấp việc chịu phạt hợp đồng 17.940 tấn gạo bán cho nhiều chi cục của Tổng cục dự trữ quốc gia. Theo Tổng cục Hải quan thì có tới 24 doanh nghiệp trong tổng số 28 doanh nghiệp ký hợp đồng hoặc trúng thầu cung cấp gạo cho Tổng cục dự trữ quốc gia đã phá hợp đồng hoặc không chịu ký hợp đồng.
Để làm rõ những vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ và trước đó là Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu thanh tra khẩn cấp hoạt động xuất khẩu gạo. Muộn hơn một chút, cuối tuần trước, Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị điều tra và xử lý theo pháp luật những cá nhân tổ chức vi phạm, bao gồm cả vi phạm trong lĩnh vực thông tin báo chí và mạng xã hội liên quan đến xuất khẩu gạo.
Bài học về sự sâu sát của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với thực tế hoạt động của doanh nghiệp (tồn kho, hợp đồng đã ký, năng suất sản lượng…) cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cần được nhìn nhận và xử lý nghiêm túc. Nếu không, những “cuộc chiến” tương tự sẽ xảy ra không chỉ trong hoạt động xuất khẩu gạo./.