Không quen biết khó tiếp cận lãi suất ưu đãi

  • 23/04/2020 03:06:57
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Mặc dù gói tín dụng ưu đãi lãi suất đã được nhiều ngân hàng triển khai, song do quá tải và thủ tục rườm rà nên doanh nghiệp khó tiếp cận các gói hỗ trợ.

 

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất

Hiện một số ngân hàng đã bắt đầu triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất cũng như chính sách miễn, giảm lãi vay với các khoản dư nợ hiện tại của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Cụ thể, Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã công bố gói hỗ trợ toàn diện lên đến 30,000 tỷ đồng, bao gồm miễn giảm lãi, điều chỉnh giảm lãi suất, áp dụng lãi suất hỗ trợ, giãn nợ, gia hạn nợ với thời hạn phù hợp để cùng chung tay chia sẻ khó khăn với khách hàng cá nhân và DN chịu tác động của dịch bệnh Covid-19.

Chia sẻ về gói hỗ trợ này, ông Phùng Quang Hưng, giám đốc điều hành, Phó Tổng giám đốc thường trực Techcombank khẳng định, để DN đi qua khó khăn cần đảm bảo được năng lực tài chính và dòng tiền thông suốt, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu; bảo vệ được lực lượng lao động. Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng mà Techcombank dành cho các DN và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được xây dựng và trên cơ sở này và nó không chỉ giúp các DN và các cá nhân duy trì năng lực tài chính mà còn giúp các khách hàng giảm phần nào các chi phí tài chính trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng DN và cá nhân chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay đợt 2 từ ngày 15/4/2020. Cụ thể, giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng các khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch Covid-19. Tổng số khách hàng được giảm lãi suất đợt 2 là 90 ngàn khách hàng với qui mô tín dụng là 300.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu tại Vietcombank.

Trước đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngay từ giữa tháng 2/2020, Vietcombank đã triển khai hàng loạt giải pháp ưu đãi dành cho khách hàng như giảm lãi suất cho vay đợt 1, triển khai chương trình cho vay mới với qui mô dư nợ 30.000 tỷ đồng với lãi suất siêu thấp từ 4,5-5% năm.

Đại diện Vietcombank cho biết, để hỗ trợ giảm chi phí hoạt động cho DN và người dân, Vietcombank đã thực hiện đồng bộ việc giảm/ưu đãi lãi suất cho vay và giảm phí dịch vụ cho khách hàng. Cụ thể, tổng số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5% - 1,5% so với mặt bằng lãi suất chung. Số tiền đến nay đã lên tới trên 120.000 tỷ đồng và có thể mở rộng tới 150.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank cũng cho biết, sẽ tiếp tục giảm lãi suất đối với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 với lãi suất ưu đãi là 1% - 2,5%/năm.

Hồ sơ quá tải, ùn ứ

Nhiều DN cho rằng, các ngân hàng thực hiện các chính sách hỗ trợ khá chậm, thủ tục rườm rà, không quen biết khó tiếp cận. Dù triển khai đã được hơn 1 tháng, song nhiều DN vẫn không thể nào tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng do không có tài sản đảm bảo, khó chứng minh thiệt hại…

Trả lời báo chí, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT - lo ngại, vốn hỗ trợ chỉ đến được với người giàu, không đến với người nghèo. Nói cách khác, những DN khó khăn thực sự thì rất khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, dù đây là nhóm đối tượng cần vốn nhất. Bởi các DN quy mô nhỏ và vừa rất khó đáp ứng thủ tục, hồ sơ vay vốn. Đồng thời, vốn cho vay vào các DN này cũng khiến các tổ chức tín dụng lo ngại trước nguy cơ nợ xấu, mất vốn.

Phát biểu tại một hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Nafoods – thông tin, DN một đằng kẹt vốn, một đằng nông dân, nhà cung cấp muốn đòi nợ. Nhưng vay ngân hàng không đơn giản vì ngân hàng lo ngại nợ xấu nên khắt khe hơn, thậm chí không dám cho vay. Ông Hùng cho biết thêm, nhiều chủ DN phải vay nóng bên ngoài bởi chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, trong khi lãi suất cho vay ngoài rất cao.

Số liệu của NHNN nhà nước cho thấy, mới sau 1 tháng triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN, đã có hơn 400.000 khách hàng được ngân hàng hỗ trợ cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới trong thời gian qua.

Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết, không phải do ngân hàng gây khó khăn, mà lượng hồ sơ đề nghị cơ cấu nợ quá lớn, tăng với cấp số nhân, khiến ngân hàng tăng hết tốc lực cũng khó có thể giải quyết ngay trong ngày một, ngày hai. Để hoàn tất thủ tục cơ cấu 1.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, có khi ngân hàng phải xử lý 2.000 - 3.000 hồ sơ của khách hàng. Số lượng hồ sơ lớn, trong khi theo quy định, chỉ có Ủy ban Cơ cấu nợ của ngân hàng mới được phép phê duyệt hồ sơ được cơ cấu nợ, dẫn tới tình trạng quá tải, hồ sơ ùn ứ. Thậm chí, đại diện nhiều ngân hàng cho biết, nhiều khách hàng yêu cầu ngân hàng gia hạn nợ, giảm lãi cho khoản vay của mình, song khi ngân hàng đề nghị cung cấp hồ sơ chứng minh thiệt hại thì DN lại không hợp tác, mà chỉ kêu ca ngân hàng gây khó. Nếu ngân hàng gia hạn bừa bãi, sau này thanh, kiểm tra bị quy là cơ cấu nợ không đúng đối tượng thì ai chịu trách nhiệm?

Tuy nhiên theo các chuyên gia, để giải ngân cho DN theo gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, các tổ chức tín dụng phải xem xét rất kỹ về năng lực trả nợ của DN. Ngân hàng không thể cho vay vốn vô điều kiện, bởi đó là nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại bỏ ra. Bản thân ngân hàng cũng là một DN và họ phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ. Còn mong muốn lớn nhất của DN lúc này là ngân hàng sẽ hỗ trợ bằng cách đơn giản hóa quy trình thẩm định hồ sơ, nếu không rất ít DN có thể tiếp cận gói hỗ trợ nghìn tỷ này.


Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Techcombank ông Vishal Shah:

Gói hỗ trợ khách hàng DN đến 20.000 tỷ đồng, bao gồm giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng hiện hữu chịu tác động của Covid-19, tối đa lên đến 2%, hay giải ngân trong hạn mức với mục đích thanh toán lương và các khoản theo lương với lãi suất đặc biệt ưu đãi, thấp hơn đến 5% so với lãi suất thông thường. Tuy nhiên, đây là biện pháp hữu hạn để giải quyết bài toán trước mắt khi DN cần nguồn tài chính để ổn định và hồi phục. Điều quan trọng hơn là giải pháp đường dài như phát triển nền tảng ngân hàng số để hỗ trợ khách hàng giảm chi phí, tiết kiệm thời gian giao dịch và đồng hành cùng sự phục hồi của DN sau tác động của dịch.

 

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam:

Vừa qua Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42, Nghị định 41 về gia hạn các khoản thuế, Thông tư 01 của NHNN cơ cấu thời hạn trả nợ, hiện các chính sách hỗ trợ vẫn đang chờ các Bộ ngành ban hành hướng dẫn. Chính vì vậy, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng như các DN khác trên cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mong muốn các Bộ ngành sớm có hướng dẫn thực thi một cách thông thoáng và thuận lợi nhất để hỗ trợ hiệu quả, nhanh chóng giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.

 

TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng:

Hiện các ngân hàng đã đăng ký lên đến 600 nghìn tỷ cho gói hỗ trợ này, song DN vẫn khó tiếp cận vì các ngân hàng chưa đưa ra tiêu chí cụ thể, chủ yếu chỉ cho các DN quen biết vay nên việc giải ngân rất khó. Bên cạnh đó, cũng chưa có con số thống kê cụ thể có bao nhiêu DN đang gặp khó. Các tổ chức tín dụng phải xem xét rất kỹ về năng lực trả nợ của doanh nghiệp. Những DN có sức khỏe yếu hoặc không chứng minh được dòng tiền trả nợ, thì chắc chắn không thể tiếp cận được gói tín dụng này. Bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và họ phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ. Theo tôi, Chính phủ phải có gói hỗ trợ DN từ tiền ngân sách và cho vay theo cách bảo lãnh tín dụng thì các DN mới có thể tiếp cận được gói tín dụng này.

 

PV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận