Giá vé niêm yết cao gấp 3 - 4 lần
Khảo sát tại một số kênh bán vé trực tuyến hầu hết các hãng bay đều niêm yết mức giá khá cao, đặc biệt là chặng Hà Nội – TP.HCM. Ví dụ, trên trang bán vé của Vietnam Airlines, giá vé từ 20-24/4 chặng Hà Nội – TP.HCM có mức giá vé phổ thông khứ hồi thấp nhất là 5.140.000 đồng/khách. Hay của Vietjet cũng ngày và chặng đấy lại có mức giá vé phổ thông khứ hồi thấp nhất là 4.769.800 đồng/khách và cao nhất lên tới hơn 5 triệu đồng/khách (đã bao gồm thuế và phụ phí).
Nguyên nhân của việc tăng giá vé lần này, 1 phần cũng là do trước khi dịch Covid-19 xảy ra, hay ngay cả khi các đường bay trong nước bị hạn chế tần suất bay nhằm phòng ngừa dịch bệnh cũng đã được các hãng hàng không trong nước thông báo giá khá rẻ.
Ngoài ra, việc “nới lỏng” cách ly làm người dân đi lại cũng tăng cao hơn so với tuần “giãn cách” xã hội. Nhưng do việc giãn cách trên mỗi chuyến bay được thực hiện theo hình thức sắp xếp chỗ, mỗi khách cách nhau 1 ghế, nên lượng khách khai thác không cao. Do đó, để đủ chi phí vận hành thì giá vé phải tăng.
Như vậy, giá vé niêm yết mà các hãng hàng không đưa ra hiện tại cao gấp 3 – 4 lần so với giai đoạn hạn chế tần suất bay để phòng, chống dịch Covid-19.
Cục Hàng không nói gì?
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam có cuộc trao đổi với baogiaothong cho hay, trên cùng một chuyến bay, có rất nhiều dải giá vé. Có thể hiểu, số tiền mà hành khách bỏ tiền ra mua vé trên cùng một chuyến chưa chắc đã giống nhau, có người mua đắt hơn, có người mua rẻ hơn.
Do nhu cầu đi lại, đặc biệt chặng Hà Nội - TP.HCM vẫn rất cao trong khi lượng cung bị hạn chế do dịch Covid-19 nên giá vé có đắt trong giai đoạn này cũng là điều không quá khó hiểu.
Thực tế, đã từng có trường hợp khách Việt Nam bay từ Thái Lan về trên máy bay của hãng hàng không nước ngoài phải trả số tiền tới vài nghìn USD theo thỏa thuận, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng khẳng định:
“Hiện tại, số chuyến bay cung ứng chỉ bằng 5 - 6% so với trước kia. Khi cầu cao mà cung hạn chế thì giá vé cao là đương nhiên. Tuy nhiên, dù cao đến mức nào thì cũng không thể vượt quá trần giá vé máy bay quy định. Tất nhiên, trong nước, mức giá không thể cao đột biến như thế do trần giá vé máy bay nội địa vẫn đang bị khống chế”.
Theo Thông tư 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội đại có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định rõ, giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt; từ 500 – 800km, mức giá tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850km đến dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá 3,2 triệu đồng; còn từ 1.280km trở lên giá rơi vào 3,75 triệu đồng/vé/chiều.
Mức giá tối đa này đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ tiền thuế giá trị gia tăng, các khoản thu hộ DN cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, bao gồm giá dịch vụ hành khách, giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý và giá dịch vụ tăng thêm.
Phân bổ tần suất khai thác đường bay cho các hãng
Đến nay chặng bay Hà Nội - TP.HCM được các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways khai thác tần suất 02 chuyến khứ hồi/ngày. Đường bay giữa Đà Nẵng và Hà Nội, TP.HCM vẫn được Vietnam Airlines và Vietjet Air duy trì khai thác 01 chuyến/ngày. Jetstar Pacific cũng sẽ khai thác 01 chuyến bay khứ hồi/ngày giữa Hà Nội và TP.HCM.
Tính chung mỗi ngày số chuyến bay qua lại giữa 2 trung tâm kinh tế của cả nước là gần chục chuyến bay. Đấy là chưa kể các chuyến bay liên danh giữa Vietnam Airlines và Jetsta Pacific.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc phân bổ cho các hãng hàng không Việt Nam khai thác trên đường bay này được căn cứ trên quy mộ đội tàu bay, mạng đường bay khai thác trước dịch COVID-19.
Ngoài ra, trong giai đoạn giãn cách xã hội, Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các hãng bố trí hành khách trên một hàng ghế cách nhau ít nhất 1 ghế; đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa các hành khách đi xếp hàng làm thủ tục hàng không và lên tàu bay; thực hiện đo thân nhiệt hành khách và khai báo sức khỏe y tế trước chuyến bay; mọi hành khách đều phải đeo khẩu trang trong quá trình thực hiện chuyến bay.
Đồng thời, các hãng phải gửi danh sách số lượng hành khách trên mỗi chuyến bay (bao gồm cả thông tin hành khách và số ghế) đến Cục Hàng không Việt Nam.
Phía các cảng hàng không có trách nhiệm bố trí đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa các hành khách khi làm thủ tục hàng không, soi chiếu an ninh hàng không, trong phòng chờ, lên tàu bay./.
Theo VOVGIAOTHONG.VN