Cuộc chiến chống Covid-19, tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nông sản, bởi “người ta có thể không mua ô tô trong 10 năm, không mua quần áo trong ba năm không thể không ăn uống trong ba ngày”.
Cơ cấu thị phần đảo chiều
Theo báo cáo của Bộ NN & PTNT, 3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 15,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 9,06 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu giảm 13,2%, tương đương khoảng 6,2 tỷ USD. Xuất siêu gần 2,9 tỷ USD tăng 48,9% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng 3/2019 nhưng tăng 16,6% so với tháng 02/2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt gần 1,6 tỷ USD, lâm sản chính đạt gần 1,1 tỷ USD, thủy sản đạt 549 triệu USD và chăn nuôi đạt 43 triệu USD,…
Về thị trường xuất khẩu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản sang các thị trường chính có sự thay đổi về thị phần. Theo đó, Hoa Kỳ chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 18% và chiếm 23,2% thị phần. Tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ và chiếm 21,4% thị phần, thị trường EU ước đạt 1,2 tỷ USD, Nhật Bản đạt 802 triệu USD, các nước ASEAN đạt 970 triệu USD.
Bộ NN & PTNT đánh giá, kết quả xuất nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm là “ít điểm sáng” trong nỗ lực tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường, mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á – Âu, Hoa Kỳ, Brazil… và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ả rập xê út.
Tại phiên họp online với chủ đề “Chương trình hành động và giải pháp trong đại dịch COVID-19” diễn ra ngày 2-4 do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản đánh giá: “Hiện cơ cấu thị trường xuất khẩu đang có sự đảo chiều. Bộ NN&PTNT dự báo thị trường nông sản tại Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh vào tầm tháng 5. Thị trường Mỹ, EU dự báo sẽ khôi phục và xuất khẩu mạnh mẽ vào khoảng tháng 7-8”.
Thị trường nội địa, bên cạnh thách thức, cũng đặt ra cho nông sản Việt Nam những thời cơ mới. Đó là việc tiêu thụ hàng hoá của người dân đã chuyển dịch nhiều từ hàng ngoại nhập sang nội địa. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết: “Đây là cơ hội cho DN nông sản. Điều quan trọng là phải biết nắm bắt được dịp này, có những thay đổi về chính sách, cách làm từ phía Chính phủ, DN, các hiệp hội”.
Mở rộng thị trường, số hóa trong hoạt động
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Nafoods chia sẻ: Cũng như rất nhiều các doanh nhiệp khác, tác động của dịch COVID-19 khiến tập đoàn Nafoods rơi vào khủng hoảng. Khủng hoảng đầu tiên chính là tinh thần, kế tiếp là vận tải, thị trường... Đối mặt nguy nan, lãnh đạo tập đoàn tuyên truyền đến tập thể lao động trong công ty tinh thần bình tĩnh, tin tưởng và thấu hiểu,
Bên cạnh đó, hàng loạt giải pháp khác cũng được thực hiện như đích thân Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn gửi thư cho các khách hàng khắp nơi trên thế giới, để mọi người cùng thấu hiểu... Kết quả là trong quý I-2020, kinh doanh của tập đoàn tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với Tập đoàn Phúc Sinh có thâm niên gần 20 năm trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản như cà phê, hạt tiêu, quế, hồi…, ba tháng đầu năm xuất khẩu của công ty tăng thêm 120%-130%, công nhân duy trì việc làm 1-2 ca/ngày. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh chia sẻ, để đứng vững được trong đại dịch lần này là nhờ chiến lược phát triển bền vững của công ty trong suốt hàng chục năm qua như đẩy mạnh thu mua trực tiếp với nông dân, xây dựng các nhà máy ở nhiều tỉnh, thành để đảm bảo nguồn nguyên liệu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tập đoàn Phúc Sinh đa dạng hóa thị trường, xuất khẩu đi nhiều nước châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ, Trung Đông và tập trung vào các khách hàng vừa và nhỏ... nên đợt dịch này công ty không lo lắng về chuyện bị hủy đơn hàng như nhiều đơn vị khác, vấn đề thanh toán cũng được hỗ trợ rất nhiều.
Đặc biệt, nhờ áp dụng công nghệ, xây dựng các hệ thống phần mềm quản lý từ rất sớm nên khi có lệnh cách ly toàn xã hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành, công ty hoàn toàn chủ động khi chuyển sang làm việc online.
Với phương châm “Mỗi nhân viên là một chiến sĩ, mỗi đơn vị là một pháo đài, mỗi doanh nghiệp là một chiến hào chống dịch hiệu quả”, tập đoàn Hùng Nhơn đã đảm bảo công ăn việc làm và duy trì mức lương cho khoảng 1.400 công nhân. Ngay khi dịch xảy ra, ưu tiên hàng đầu của tập đoàn là giữ vững toàn bộ số lượng lao động, đồng thời tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch một cách mạnh mẽ như tập trung người lao động làm việc ở các trang trại rộng hơn 100 ha có khu vực sát trùng, hạn chế người ra người vào để người lao động không bị nhiễm dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vượt rào cản. Một trong những khó khăn nhiều doanh nghiệp đề cập là vấn đề tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ. Thông tin từ các doanh nghiệp cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều thiếu vốn và đang gặp trở ngại trong việc tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ. “Đơn hàng có, nguyên liệu có, giá nguyên liệu đang rẻ nhưng khi đặt vấn đề thì tất cả ngân hàng đều rất khó tiếp cận”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết: “Cơ hội đã đến cho những người làm nông nghiệp. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ ra chính sách nhanh nhất để hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường”./.