Thu nhập 1 triệu không được tính người phụ thuộc
Theo Dự thảo nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, người nộp thuế sẽ được khấu trừ 9 triệu đồng hiện nay lên 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm) và người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng tăng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Ngưỡng GTGC này được đánh giá đã lỗi thời ngay từ trong dự thảo.
Bên cạnh đó, Luật thuế TNCN hiện nay cũng còn nhiều quy định chưa hợp lý khiến người dân thấy hoang mang. Anh Nguyễn Bá Duy (ở Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, anh đang ở chung với bố mẹ đã về hưu, lương hưu của bố mẹ mỗi người chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Theo quy định, người có thu nhập thường xuyên trên 1 triệu đồng/tháng thì không được tính là người phụ thuộc để được tính GTGC. Tuy nhiên, thực tế số tiền lương hưu không thể đủ để trang trải các chi phí chính hàng ngày như ăn uống, khám chữa bệnh… chưa kể các khoản phát sinh như đám cưới, đám ma, giỗ chạp…. nên tháng nào anh cũng phải phụ thêm tiền cho bố mẹ.
“Nếu một người phụ thuộc được khấu trừ tăng lên 4,4 triệu đồng/tháng là đã quá thấp so với mức chi tiêu bình thường thì quy định người có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng không được tính là quá vô lý. Thu nhập 1 triệu đồng/tháng không thể đủ để trang trải cho cuộc sống tối thiểu của 1 người, nhất là người già thường hay đau ốm nên chi phí cũng phải hơn nhiều. Không được tính là người phụ thuộc, không lẽ mặc kệ họ?”, anh Duy nói.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, theo quy định, người phụ thuộc phải chứng minh là có thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng mới được xem xét là diện phụ thuộc. Do đó, các ông bố, bà mẹ có thu nhập thường xuyên từ lương hưu, cổ tức hay gì đó mà từ 1,2 triệu đồng trở lên lại ở với con thì không được xét là người phụ thuộc.
“Lấy 1 triệu đồng/tháng làm căn cứ xác định phụ thuộc là quá lạc hậu. Đi ăn cỗ, khám chữa bệnh một tháng cũng mất 3 lần số đó, đấy là chưa nói 1 triệu đồng hiện nay làm sao đủ cho họ nuôi sống được mình, ngay cả ở các địa phương, chứ chưa nói đến thành phố”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Đồng tình với quan điểm này, chia sẻ trên Vnexpress, TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng, GTGC với người phụ thuộc là giải pháp để người dân đạt mức sống tối thiểu, và chỉ những thu nhập trên ngưỡng tối thiểu mới bị tính thuế. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa tăng lên hàng tháng, các dịch vụ sinh hoạt phát sinh nhiều và nhu cầu chi tiêu cao mà thu nhập của những người phụ thuộc không tăng hoặc tăng chậm. Điều này dẫn tới người nộp thuế phải bù thêm khá nhiều chi phí để chăm sóc cho họ mà không được tính khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
TS. Bùi Quang Tín nhấn mạnh, cần khảo sát cuộc sống thực tế của người dân và phân chia mức giảm trừ gia cảnh theo khu vực, không nên cào bằng mức giảm trừ trong cả nước bởi ở những thành thị lớn chi phí sinh hoạt chênh lệch rất lớn so với các vùng còn lại. Giá thuê nhà đến việc ăn uống, vui chơi... ở thành phố lớn sẽ đắt đỏ hơn nhiều so với nông thôn.
“Có thể căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định hằng năm áp dụng cho người lao động ở 4 vùng để tính mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế một cách phù hợp. Ngoài ra, cũng có thể nghiên cứu việc cho phép trừ chi phí nếu mua hàng có hóa đơn thay vì khống chế giảm trừ gia cảnh ở một mức cố định”, TS. Bùi Quang Tín kiến nghị.
Thuế suất thuế TNCN của Việt Nam cao hơn cả Singapore
Biểu thuế của luật TNCN hiện hành quy định gồm 7 bậc thu nhập tính thuế theo tháng, tương ứng với tỷ lệ bậc sau cao hơn bậc trước 5%, mức thấp nhất là 5%, cao nhất 35%. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là ngưỡng thuế rất cao so với nhiều nước trong khu vực.
Đơn cử, Singapore hiện có 10 bậc thuế từ mức 0 - 22% với mức thu nhập từ dưới 20.000 đô la Singapore (SGD)/năm tương đương 1.666 SGD/tháng (quy đổi khoảng 28,3 triệu đồng/tháng) áp dụng thuế suất 0%; từ 20.001 - 30.000 SGD/năm (tương đương khoảng 28,3 - 42,5 triệu đồng/tháng) thuế suất 2%... Với quy định này, trường hợp cùng mức thu nhập chịu thuế 60.000 SGD/năm, tương đương 1,02 tỷ đồng/năm, tức 85 triệu đồng/tháng, người Việt Nam sẽ đóng thuế TNCN 19,9 triệu đồng/tháng (tỷ lệ thuế trên thu nhập chiếm 23,4%), trong khi người Singapore chỉ đóng 2,76 triệu đồng/tháng (tỷ lệ thuế trên thu nhập chịu thuế chiếm 3,25%)...
Theo TS. Bùi Quang Tín, mức khung của chúng ta tương đối cao. Do đó, cần giảm mức luỹ tiến này cũng như rút bậc thuế ít lại để việc nộp thuế đơn giản hơn và không là gánh nặng với dân. Nhà nước cũng không mang tiếng tận thu.
“Với ngưỡng chịu thuế vãng lai, việc nhận thù lao, phí hoa hồng từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị nộp thuế 10% cũng là ngưỡng lạc hậu. Từ năm 2017, Bộ Tài chính đã đề nghị tăng mức khấu trừ với thu nhập vãng lai từ mức 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng mới khấu trừ thuế 10% nhưng đến nay vẫn chưa được nâng lên. Điều này khiến số lượng người lao động dù chưa đến thu nhập chịu thuế vẫn phải đóng thuế”, TS. Bùi Quang Tín nêu quan điểm.
TS. Đinh Tuấn Minh, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cũng cho rằng, mức thuế đóng thuế TNCN không nên quá dày như bây giờ. Việc điều chỉnh tăng mức TNCN chỉ trên lạm phát mà không căn cứ trên mức tăng thu nhập của người dân thì với cách tính như vậy đa phần người dân sẽ phải chịu thuế. Ngưỡng chịu thuế thấp không những khiến người nộp bị thiệt mà bộ máy cơ quan thuế cũng quá tải, trong khi nguồn thu không tăng được bao nhiêu.
“Nên thiết kế các mức đóng thuế chỉ 3-4 bậc thôi thì mới phù hợp với mức phát triển của Việt Nam bây giờ. Như vậy sẽ hấp dẫn được việc chuyển đổi môi trình tăng trưởng, thu hút nhân tài, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”, TS. Đinh Tuấn Minh khuyến nghị./.
Cẩm Tú/VOV.VN