Vĩnh Phúc: Tầm nhìn chiến lược - phát triển hạ tầng, hấp dẫn nhà đầu tư

  • 04/03/2020 11:00:00
  • Quốc Vương
  • Kinh tế
  • 0

Vĩnh Phúc hấp dẫn các nhà đầu tư bởi hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được xây dựng đồng bộ, tiện lợi.

 

Sự có mặt của các nhà đầu tư làm tăng tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đã cho thấy chủ trương của tỉnh Vĩnh Phúc trong việc dành các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp là hoàn toàn đúng đắn.

Cuối năm 2019, tại hội thảo xúc tiến đầu tư “Vĩnh Phúc: Điểm đến đầu tư tiềm năng của các doanh nghiệp châu Âu và Hoa Kỳ”,  Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng đánh giá, đóng góp vào thành công chung trong thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Vĩnh Phúc là một trong những điển hình thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; Vĩnh Phúc sẽ là 1 trong 10 tỉnh, thành đứng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước.

Cũng tại hội thảo này, nhiều báo cáo cho thấy, Vĩnh Phúc đã thu hút được 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5 tỷ USD, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 6 trong các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Nhiều Tập đoàn lớn trên thế giới như Toyota, Honda, Daewoo, Samsung, Compal… đã đầu tư tại Vĩnh Phúc, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo và sản xuất lắp ráp điện tử.

Vĩnh Phúc có nhiều chính sách ưu đãi mang tầm chiến lược thu hút đầu tư.

Ngoài việc thực hiện nghiêm túc, minh bạch các chính sách thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc còn dành các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư. Bởi thế trong thời gian qua Vĩnh Phúc liên tục đón các làn sóng đầu tư, nhiều dự án của các tập đoàn lớn, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp.

Đầu tháng 2/2020, Vĩnh Phúc đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Bá Thiện, phân khu I. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là khu công nghiệp hiện đại, thu hút khoảng 30-35 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 1 tỷ USD, tạo việc làm cho 15 nghìn lao động.

Còn trước đó, Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản quyết định lựa chọn Vĩnh Phúc để đầu tư, xây dựng khu công nghiệp Thăng Long - Vĩnh Phúc với quy mô 213 ha, tại xã Thiện Kế và Tam Hợp, huyện Bình Xuyên. Quyết định của Tập đoàn Sumitomo cho thấy, lãnh đạo tập đoàn này hoàn toàn tin tưởng vào chính sách thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc và chắc chắn các doanh nghiệp sẽ chọn Vĩnh Phúc là nơi đặt công xưởng. Đầu tháng 11/2018, dự án khánh thành giai đoạn 1, với diện tích khoảng 110 ha và thu hút được hơn 15 doanh nghiệp đăng ký. Dự kiến khi hoàn thiện, khu công nghiệp Thăng Long - Vĩnh Phúc thu hút khoảng 80 dự án đầu tư, với số vốn hơn 1,5 tỷ USD, tạo việc làm mới cho hơn 30.000 lao động.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực, Vĩnh Phúc ban hành nhiều cơ sở chính sách ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp; chủ động quỹ đất sạch với mức giá cho thuê hạ tầng khu công nghiệp hợp lý...

Việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu công nghiệp đã đảm bảo kết nối và đáp ứng kịp thời với tiến độ đầu tư trong các khu công nghiệp, tạo diện mạo mới, hấp dẫn hơn cho môi trường đầu tư của Vĩnh Phúc.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 18 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích hơn 5.200ha, 32 cụm công nghiệp diện tích hơn 600ha. Tất cả các khu, cụm công nghiệp đều có vị trí thuận lợi, nằm dọc các trục quốc lộ, tạo sức hấp dẫn, cạnh tranh cao. Nhiều khu công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy cao như: Bình Xuyên, Kim Hoa, Bình Xuyên II, giai đoạn 1 đạt tỷ lệ lấp đầy 100%; Khai Quang tỷ lệ lấp đầy 98% và khu Bình Xuyên 85%.

Năm 2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành quyết định thành lập khu công nghiệp Bá Thiện II, trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn giai đoạn I; cấp giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Bá Thiện - phân khu I…

Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được đầu tư hoàn thiện đã thu hút được nhiều dự án của các tập đoàn kinh tế lớn như Toyota, Honda (Nhật Bản); Kumho, Lotte (Hàn Quốc)… Theo thống kê, hết năm 2019, Vĩnh Phúc thu hút được 1.146 dự án với 759 dự án DDI, tổng vốn đăng ký hơn 85 nghìn tỷ đồng và 388 dự án FDI, tổng vốn đầu tư gần 5,5 tỷ USD, góp phần đưa tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt hơn 35 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với kế hoạch đề ra.

Thời gian tới Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung đôn đốc, giám sát công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp Bình Xuyên, Bá Thiện II, Tam Dương II khu A và Sơn Lôi…; đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư; tăng dần tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, ưu tiên phát triển trước các khu công nghiệp tại các khu có lợi thế của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai như khu công nghiệp Tam Dương I khu vực 2, khu công nghiệp Sông Lô I, khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa, khu công nghiệp Nam Bình Xuyên.

Phải nói rằng, Vĩnh Phúc đã đi đầu - bứt phá đưa ra nhiều chính sách ưu đãi có tầm chiến lược để thu hút đầu tư. Đây là một chủ trương đúng có tầm nhìn chiến lược bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội và tạo cho người đến tuổi lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận