Việt Nam là điểm đầu tư chiến lược của doanh nghiệp Nhật

  • 20/02/2020 11:24:53
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa công bố thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản năm 2019. Theo công bố có gần 64% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.

 

Có nhiều đóng góp

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu tại Việt Nam. Hiện có 1.900 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư làm ăn có hiệu quả và có nhiều đóng góp tại Việt Nam. Hiện Nhật Bản có 4.190 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 57,9 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Vốn đầu tư từ Nhật Bản được xem là dòng vốn chính, hình mẫu cho mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn FDI. Ngoài ra các công ty của Nhật Bản đã có nhiều đóng góp cho kinh tế và cộng đồng xã hội Việt Nam. Đơn cử như Công ty cổ phần Acecook Việt Nam. Được thành lập vào ngày 15/12/1993 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1995. Sau 24 năm hoạt động, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, Acecook Việt Nam đã tăng trưởng lớn mạnh và trở thành sản phẩm được ưa chuộng của người dân trên mọi miền đất nước. Hiện nay, Acecook Việt Nam đã có 6 chi nhánh kinh doanh, 11 nhà máy, sản lượng hàng năm ở mức 3 tỷ sản phẩm; trong đó, 2,8 tỷ sản phẩm tiêu thụ trong nước. Acecook đã xuất khẩu trên 40 quốc gia và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động với phương châm chọn Việt Nam là căn cứ địa trọng điểm để phát triển thương hiệu Acecook ra toàn thế giới. Công ty tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Ngoài ra, đơn vị này cũng đóng góp hàng tỷ đồng cho công tác từ thiện xã hội.

Hay như Công ty Honda Việt Nam được thành lập vào năm 1996 với 2 ngành sản phẩm chính: xe máy và xe ô tô. Sau gần 24 năm có mặt tại Việt Nam, Honda Việt Nam đã không ngừng phát triển và trở thành một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất xe gắn máy và nhà sản xuất ô tô uy tín tại thị trường Việt Nam. Năm 2019, cùng với việc tiêu thụ xe trong nước, Honda Việt Nam còn xuất khẩu 153.000 xe máy với tổng kim ngạch 368 triệu USD, tăng 11,2% so với năm 2018. Năm 2020, Công ty sẽ đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu xe nguyên chiếc lên 156.000 xe, tăng khoảng 2% so với năm 2019. Ngoài ra, trong năm 2019, HVN còn đóng góp nhiều dự án xã hội trong các lĩnh vực an toàn giao thông, môi trường, giáo dục và bóng đá...

Phát biểu tại Hội thảo diễn đàn kinh tế, du lịch, lao động Nhật Bản - Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, năm 2019, khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng cho bức tranh kinh tế Việt Nam, với số vốn đầu tư của năm 2019 là 38 tỷ USD và lần đầu tiên đạt mức giải ngân 20,4 tỷ USD.  Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư chiến lược của rất nhiều các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có sự đóng góp lớn của doanh nghiệp Nhật Bản.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu tại Việt Nam. Hai nền kinh tế không cạnh tranh trực tiếp mà có tính bổ trợ cho nhau mạnh mẽ. Đây là điều kiện và dư địa hợp tác trong tương lai ở các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và lao động.

63,9% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh

Tại buổi họp báo công bố kết quả “Khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Châu Á và Châu Đại Dương năm tài chính 2019” vừa diễn ra, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng JETRO, Hà Nội cho biết triển vọng về lợi nhuận kinh doanh của các DN Nhật Bản tại Việt Nam khá cao với tỉ lệ DN được dự tính có lợi nhuận kinh doanh năm 2019 là 65,5%. Mặc dù tình hình kinh doanh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang suy giảm thì Việt Nam vẫn có nhiều DN vững mạnh.

Với 63,9% DN tham gia khảo sát có định hướng mở rộng kinh doanh, Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN về tỉ lệ này. Việc các DN Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là do kỳ vọng lớn về việc gia tăng doanh thu. Tuy nhiên, tỉ lệ này suy giảm so với năm ngoái, là do sự suy thoái nói chung của kinh tế thế giới.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng nhìn tổng thể, các DN Nhật Bản vẫn tin tưởng và tiếp tục có mong muốn đầu tư tại Việt Nam. Ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết năm 2019, các DN đến Việt Nam khảo sát, tìm hiểu thị trường tăng 30%.

Năm 2019, tổng số dự án của doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam là 655 dự án, tổng số vốn là 2,89 tỷ USD. Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam có lãi là 66%. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp cũng lo ngại rủi ro chi phi nhân công tăng lên, khó khăn trong tuyển lao động và tỷ lệ nghỉ việc tăng cao. Tỉ lệ thu mua linh phụ kiện, vật liệu nội địa là 36,3%, không thay đổi so với năm trước, tỉ lệ thu mua từ DN địa phương là 13,6% và có khả năng cải thiện hơn. Bên cạnh đó là  những rủi ro từ hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, thủ tục thuế phức tạp.

Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam lớn nhất trong năm qua với tổng vốn đăng ký gần 8 tỷ USD. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp số dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam tăng và đạt kỷ lục với 630 dự án; là năm thứ 4 liên tiếp tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư tại Việt Nam tăng.

Ông Takeo Nakajima cho hay, doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục hoàn thiện các chính sách và thủ tục, đặc biệt là thủ tục xin cấp phép còn phức tạp như giấy phép đầu tư, thủ tục thuế, hải quan, phòng cháy chữa cháy…Nếu các vấn đề này được giải quyết triệt để thì sẽ tạo tâm lý yên tâm và thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận