Thúc đẩy liên kết và kết nối kinh tế khu vực ASEAN

  • 07/02/2020 12:39:30
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Năm 2020, Việt Nam vinh dự đảm nhiệm những trọng trách lớn mang tầm khu vực và quốc tế, trong đó nổi bật là vai trò Chủ tịch ASEAN.

 

Đây là cơ hội để Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển Cộng đồng ASEAN. Phóng viên Báo TNVN phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Thưa Bộ trưởng, việc Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 có ý nghĩa quan trọng như thế nào? Việt Nam cần chuẩn bị gì và đã chuẩn bị gì?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đây là lần thứ hai, Việt Nam tái đảm nhận vai trò là Chủ tịch của ASEAN, năm 2010 Việt Nam đã lần đầu tiên đảm nhận và tổ chức thành công năm ASEAN. Với vị thế đang lên của đất nước về nhiều mặt, đặc biệt là các kết quả quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, việc tổ chức thành công năm ASEAN 2020 mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần khẳng định quyết tâm chính trị và khả năng của ta khi đăng cai các hội nghị tầm khu vực và quốc tế, chính thức đưa Việt Nam tham gia sân chơi sòng phẳng, công bằng với bạn bè năm châu.

Với ý nghĩa như vậy và để có thể đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong Trụ cột Kinh tế, Việt Nam cần xây dựng những định hướng ưu tiên phù hợp và kế hoạch triển khai nhằm tranh thủ tối đa các cơ hội của nước chủ nhà cũng như sẵn sàng đối mặt và vượt qua các khó khăn thách thức với những nhiệm vụ trước mắt cần phải hoàn thành và hoàn thành thật tốt.

Trên cơ sở chủ đề chung Năm ASEAN 2020 “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam đã đưa ra ba định hướng ưu tiên trong trụ cột Kinh tế ASEAN trong năm 2020, bao gồm: Thúc đẩy liên kết và kết nối kinh tế khu vực nội khối ASEAN, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững, và nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Việc điều phối và dẫn dắt ASEAN triển khai hợp tác trong quá trình thực hiện các định hướng này là nhân tố quan trọng tạo thuận lợi cho việc thực hiện chiến lược hội nhập kinh tế trong ngắn và dài hạn của đất nước một cách chủ động. Đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như:thương mại nội khối ASEAN, quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, thương mại điện tử, năng lượng, công nghệ thông tin, nông nghiệp, phát triển bền vững, tài chính, thống kê, đổi mới sáng tạo, v.v.

Việc thực hiện thành công các định hướng ưu tiên trong trụ cột Kinh tế ASEAN cũng sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình hội nhập của Việt Namtrong lĩnh vực kinh tế của khối ASEAN. Theo đó, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam theo hướng đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước ASEAN và các đối tác; biến Việt Nam thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu; tạo cơ hội để các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh; tiếp cận các nguồn hỗ trợ về khoa học-công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến, góp phần nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; góp phần tạo chuyển biến trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước, phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập quốc tế v.v.

Theo ông, cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020như thế nào?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:Việt Nam tái đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực không có nhiều thuận lợi. Bên cạnh hoà bình và hợp tác, tự do hóa thương mại vẫn là xu thế lớn trên thế giới, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang được thực thi hoặc chuẩn bị kết thúc hoàn toàn quá trình đàm phán.

Thực tế phát triển kinh tế thời gian qua cho thấy rằng, mặc dù bối cảnh khu vực và quốc tế không thuận lợi,tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác của Việt Namtrong năm 2019 vẫn rất ấn tượng, được nhiều nhà quan sát, phân tích kinh tế coi là điểm sáng của bức tranh kinh tế khu vực. Với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 là 7,02%, vượt chỉ tiêu 6,6% - 6,8% mà Quốc hội đã giao, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất ở khu vực châu Á trong một thập kỷ qua.

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế trong khu vực và trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơđối với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là chiến tranh thương mại; sự trì trệ trong đàm phán thương mại đa phương của WTO, sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp của một số nền kinh tế dẫn đến sụt giảm về sức mua v.v., Việt Nam cũng sẽ ít nhiều bị tác động tiêu cực trong quá trình ổn định và tiếp tục phát triển kinh tế ấn tượng. Đảm nhận vai trò chèo lái “con thuyền ASEAN” trong bối cảnh như vậy ta cũng sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển kinh tế, song cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ cả về mặt chủ quan lẫn khách quan.

Về mặt tổ chức, ta cũng sẽ gặp một khó khăn trong việc đáp ứng các hoạt động dày đặc của ASEAN trong năm đăng cai, điều nàyđòi hỏi chúng ta cần có sự chuẩn bị một cách đồng bộ, nhất quán, tập trung và phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chính phủ, các địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Vậy nhiệm vụ của Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam là gì, thưa ông?

Hội nghị các quan chức kinh tế cao cấp ASEAN lần thứ nhất tại Hà Nội.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:Về khía cạnh chuyên môn, trong kênh kinh tế, năm 2020 ta sẽ phải nỗ lực sớm đưa vào triển khai và hoàn thành các sáng kiến ưu tiên mà ta đã đề xuất trong ASEAN với tư cách là nước Chủ tịch, đồng thời phải linh hoạt, khéo léo thuyết phục các nước chấp nhận những định hướng, nội dung ưu tiên của Việt Nam trên cơ sở hài hòa lợi ích, đôi bên đều có lợi.

Mục tiêu lớn nhất chúng ta đặt ra và được các nước ủng hộ là đánh giá giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu hướng tới xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN. Chúng ta quyết tâm cùng các nước ASEAN thúc đẩy việc đúc kết kinh nghiệm thực tiễn trong hội nhập ASEAN thời gian qua để từ đó xây dựng các định hướng mới đảm bảo thực hiện thành công các chỉ đạo của Lãnh đạo ASEAN về xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN bền vững, hiệu quả và đáp ứng được các thay đổi đang diễn ra trên thế giới.

Về khâu tổ chức,Việt Nam sẽ phải chủ trì và tổ chức nhiều cuộc họp thuộc trụ cột kinh tế (tổng số khoảng 54 cuộc họp/chuỗi các cuộc họp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả năng lượng, thương mại điện tử, cạnh tranh, phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ v.v.) cũng như các Hội nghị Bộ trưởng kinh tế, Nhóm đặc trách Cao cấp về Hội nhập kinh tế./.

Xin cảm ơn ông!

 Ánh Phương (thực hiện)

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận