Hàng nghìn tấn hàng hóa đang nằm chờ, đừng đưa thêm nông sản lên cửa khẩu

  • 04/02/2020 11:26:37
  • Thanh Nguyễn
  • Kinh tế
  • 0

Dưa hấu, thanh long giá chỉ 1.000-5.000 đồng/kg đang nằm la liệt tại các cửa khẩu chờ được thông quan. Cơ quan chức năng khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu.

 

Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động dịch bệnh Corona do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều nay 3/2, ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay: Từ mùng 1 Tết Nguyên đán Canh tý 2020, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona bùng phát, Trung Quốc đã đóng 9 cặp chợ biên giới với Việt Nam từ 31/1 đến 8/2.

Nếu dịch còn tiếp diễn phức tạp sẽ đóng kéo dài nên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó. Hiện nay vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe thanh long, trọng lượng trên 5.300 tấn.

“Điều đáng nói là, hàng thanh long vẫn đang tiếp tục được đưa lên. Giá thanh long trước Tết là 35.000 đồng/kg, nay chỉ còn 3.000 – 4.000 đồng/kg, dưa hấu còn 1.000 đồng/kg. Chúng tôi khuyến cáo doanh nghiệp, hiệp hội hạn chế đưa xe lên Lạng Sơn thời điểm này mà tìm giải pháp tiêu thụ khác trong nội địa, bởi có đưa lên cũng nằm chờ, tốn chi phí”, ông Trưởng nhấn mạnh.

Là địa phương có diện tích trồng thanh long khá lớn và trông đợi nhiều vào xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho hay: Hiện nay, diện tích thanh long của Long An cho ra trái khoảng 9.587ha (trên tổng số 11.826ha) với sản lượng 320.000 tấn.

Từ tháng 1 đến cuối tháng 2/2020, còn khoảng 20.000 tấn đang tồn kho và cuối tháng 2/2020 thu hoạch thêm 28.000 tấn.

Về sơ sở chế biến, thu mua, tỉnh Long An có 154 cơ sở và 100 cơ sở có kho lạnh, trung bình 50 tấn/kho, tương đương sức chứa là 7.000 - 8.000 tấn. Toàn tỉnh có 15 cơ sở có bán trực tiếp thanh long sang Trung Quốc, còn lại gia công, chế biến cho các kho của người Trung Quốc.

Thu mua thanh long của Long An chủ yếu khách Trung Quốc. Thị trường chủ yếu bán qua Trung Quốc với 75%, còn 25% Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…

“Diễn biến từ tháng 1 đến nay, có 2 công ty có sức mua lớn là: Công ty Hồng Thái Dương mua 30-40% sản lượng, đặt cọc 300 container với giá mua 40.000 - 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến nay công ty này ngừng không mua, hứa hỗ trợ cho nông dân 4.000 đồng/kg. Công ty thứ hai là Công ty Phú Quý hủy 200 container, nhưng phát giá mua 5.000 đồng/kg”, ông Cảnh nói.

Trước tình hình tiêu thụ khó khăn, tỉnh Long An đã qua Trung Quốc tìm hiểu, xúc tiến thanh long, tuy nhiên tình hình vẫn khá khó khăn.

Thanh Long là mặt hàng bị ảnh hưởng nặng nề khi giao thương Việt-Trung gián đoạn vì virus Corona. Ảnh: Internet ;

Tỉnh đề xuất Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Bộ Công thương hỗ trợ xuất khẩu thanh long ở các cửa khẩu, kịp thời đàm phán, tháo gỡ khó khăn cho trái thanh long; đồng thời hỗ trợ tiêu thụ thanh long tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối lớn trong nội địa.

Ngoài ra, tỉnh Long An cũng đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kho lưu trữ ngủ đông, kéo dài thời gian lưu trữ, bảo quản thanh long, mở rộng thị trường để tiêu thụ mặt hàng này.

Xung quanh câu chuyện tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh bày tỏ quan điểm: Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương vụ tại nước ngoài tổ chức các hoạt động tìm kiếm và kết nối với các khách hàng mới để góp phần chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường mới.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị một số doanh nghiệp logicstic hỗ trợ bảo quản nông sản trong thời gian tìm kiếm thị trường. Các chi nhánh thương vụ tại Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam đã và đang tích cực trao đổi với các tỉnh biên giới nhằm thúc đẩy thời gian mở cửa các chợ biên giới.

Riêng với mặt hàng trái cây, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phân tích: Mặt hàng trái cây phải chịu một số áp lực về mặt thời vụ, bảo quản nên rất khó để xoay chuyển tình thế trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, nông sản nói chung và trái cây nói riêng rất khó chuyển hướng thị trường do chưa đáp ứng được một số tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác,…

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương tiếp tục yêu cầu các thương vụ vào cuộc, nhiều thương vụ đã có lịch làm việc với khách hàng trong tuần này; tiếp tục theo dõi tiến độ xuất khẩu cho đến khi các cửa khẩu chính thức mở cửa trở lại để kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh.

“Chúng tôi đề nghị bà con thay đổi tiến độ sản xuất vì tình hình dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, khó lường và có khả năng còn kéo dài. Bên cạnh đó, cần tổ chức kết nối chuỗi cung ứng với một số vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An,…”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh./.

Thanh Nguyễn

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận