Không nên chỉ định thầu nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Các chuyên gia kinh tế lo ngại đề xuất chỉ định Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất...

 

Các chuyên gia kinh tế lo ngại đề xuất chỉ định Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Bởi trước đó chúng ta đã có quá nhiều bài học và hệ lụy xấu từ việc chỉ định thầu.

Huy động vốn từ tư nhân, để ACV tập trung vào Long Thành

Trong báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, với công suất 20 triệu khách/năm, tổng vốn khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn của ACV.

Liên quan đến đề xuất cho ACV đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, TS. Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không cho rằng, nhiều nhà đầu tư có đủ năng lực thi công được những công trình như nhà ga T3, vậy tại sao chúng ta cứ phải chờ ACV bỏ tiền ra đầu tư mà không kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân?

Phối cảnh tổng thể dự án nhà ga lưỡng dụng của Vietstar Airlines. ảnh KT

“Cách đây 9 năm, đã có công ty tư nhân từng đề xuất ý tưởng và đưa ra phương án xây dựng nhà ga hàng không lưỡng dụng tại Tân Sơn Nhất. Theo tôi nên để ACV tập trung nguồn lực vào sân bay Long Thành, để họ tập trung làm cho tốt dự án đó. Còn T3 Tân Sơn Nhất nên kêu gọi vốn tư nhân, đấu thầu để đảm bảo khách quan, minh bạch”, TS. Nguyễn Thiện Tống nói.

Theo TS. Nguyễn Thiện Tống, thiết kế nhà ga T3 Tân Sơn Nhất của ACV khó đáp ứng đủ công suất 20 triệu hành khách, thậm chí còn tạo điểm nghẽn ở các khu vực khác trong và ngoài nhà ga. Mặt khác, nếu theo dự án của ACV, thời gian xây dựng sẽ kéo dài tới gần 4 năm, quá chậm, quá tốn kém.

“Xây nhà ga hành khách hiện không quá khó, thực chất cũng giống như xây dựng các tòa nhà, rất nhanh chóng và dễ làm. Thực tế, tư nhân xây cả sân bay quốc tế Vân Đồn nhanh vậy. Thế nhưng, ACV lại mất tới 4 năm mới xây được một cái nhà ga hành khách”, TS. Nguyễn Thiện Tống phân tích.

Cần phải đấu thầu công khai

Là người có những phản biện rất “sắc” về các trường hợp chỉ định thầu các dự án BOT, BT giao thông, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, có Luật Đấu thầu rồi thì nên đấu thầu một cách công khai, minh bạch. Đấu thầu để tránh những hệ lụy xấu của chỉ định thầu như nhiều bài học chúng ta đã có.

“Để có được công trình với tiến độ, chất lượng, chi phí tốt nhất, các dự án phải đưa ra đấu thầu, khi không có người tham gia mới tính các phương án khác. Dự án nhà ga T3 có nhiều doanh nghiệp tranh nhau như vậy mà nhất quyết đẩy về cho 1 doanh nghiệp thì rất bất thường. Với một dự án mang tính cấp bách, Chính phủ hoàn toàn có thể tạo cơ chế để giảm bớt các thủ tục, đẩy nhanh quá trình đấu thầu nhưng nhất định không nên chỉ định thầu...”, LS Trương Thanh Đức nói.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng, lập luận của những người muốn chỉ định thầu là bỏ đấu thầu đi để làm cho nhanh, cho kịp tiến độ. Nhưng thực tế quá trình ấy không phải bao giờ cũng diễn ra như vậy, không có gì đảm bảo chỉ định thầu có thể làm nhanh hơn được.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cầu lớn, nguồn cung không đáp ứng đủ nên việc xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là cấp thiết. Tuy nhiên cách thức thực hiện như thế nào là câu chuyện phải bàn. Ông Long cho rằng hiện có 2 quan điểm, Bộ GT-VT và Bộ KH-ĐT căn cứ vào Luật Hàng không và dựa trên cơ sở tiềm lực tài chính của ACV để giao cho doanh nghiệp này thực hiện xây dựng, trong khi có nhiều nhà đầu tư tư nhân ngỏ ý quan tâm.

Tuy nhiên theo Luật Đầu tư thì dự án có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng. “Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất là dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.990 tỷ đồng. Do vậy, dự án này sẽ phải được Bộ KH-ĐT thẩm định hồ sơ dự án đầu tư và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ khẳng định, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện có đủ khả năng, công nghệ, tiềm lực tài chính để thực hiện những công trình quan trọng quốc gia.

Do đó, Chính phủ phải ủng hộ tư nhân làm các dự án hạ tầng lớn, nhằm thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế.

Thực tế thời gian qua, một số công trình hạ tầng mang tính kết nối do các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước đầu tư bảo đảm tiến độ, chất lượng như cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cam Ranh… đã triển khai rất tốt, phát huy được hiệu quả. Từ đó, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, với nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, nên tổ chức đấu thầu, tạo cơ hội cho các tập đoàn tư nhân lớn lên./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận