Khi người Việt mua 1000 xe ô tô mỗi ngày

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô VAMA, năm 2019, Việt Nam tiêu thụ hơn 400.000 xe hơi. Tính cả doanh nghiệp ngoài VAMA, tiêu thụ khoảng 450.000 xe

Sẽ có nhiều người không thể tin nổi vào con số này, nếu như nó không được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô VAMA công bố, cho thấy lượng tiêu thụ xe hơi tại Việt Nam năm 2019 đã vượt 400.000 chiếc, tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nếu thống kê cả số lượng xe của các doanh nghiệp ngoài Hiệp hội, có thể ước tính con số xe ô tô được tiêu thụ năm 2019 lên tới 420.000 - 450.000 chiếc.

Cùng với con số tiêu thụ của thị trường trong nước, năm 2019 cũng ghi nhận dù quy mô còn nhỏ, nhưng Việt Nam đã có những đơn hàng ô tô xuất khẩu. Gần đây nhất là đơn hàng xuất khẩu 15 chiếc xe bus của ô tô Trường Hải (Thaco) sang Philippines và dự kiến sẽ xuất khẩu 200 chiếc trong năm 2020 này. Trước đó, 120 xe du lịch Kia Cerato phiên bản Deluxe sản xuất tại nhà máy Thaco Kia ở Quảng Nam được xuất khẩu sang Myanmar. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông chủ VinGroup, cũng đang nuôi giấc mơ xuất khẩu ôtô điện sang Mỹ. Còn theo những cam kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA, EU cam kết mở cửa thị trường ô tô cho Việt Nam. Thuộc nhóm 87023, ô tô con đang hưởng thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) 10% sẽ giảm dần về 0% sau 7 năm. Việt Nam có lợi thế lớn khi xuất khẩu ô tô vào EU. Đây là những thông tin rất hứa hẹn với ngành sản xuất ô tô Việt Nam.

Tuy nhiên, để tận hưởng được tất cả lợi thế sẵn có đó, Việt Nam rất cần xác định một hướng đi đúng cho ngành công nghiệp ô tô. Trong đó, cần đặc biệt ưu tiên cho thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp phụ trợ. Bởi lẽ, nếu như ô tô từ Việt Nam xuất khẩu sang EU muốn được hưởng thuế 0% thì giá trị nguyên vật liệu không có xuất xứ không được vượt quá 45%. Tức là, giá trị nguyên vật liệu có xuất xứ tại Việt Nam và EU phải chiếm từ 55% trở lên. Nguyên vật liệu mua tại Việt Nam, nếu không đủ, có thể mua từ EU hoặc từ các DN của EU đang đầu tư tại các nước khác. Còn đối với thị trường trong nước, song song với việc thúc đẩy sự phát triển công nghiệp ô tô thì còn cần đầu tư xứng đáng cho hạ tầng giao thông, bao gồm cả giao thông tĩnh.

Phát triển công nghiệp ô tô vẫn là khát vọng của Việt Nam 20 năm nay. Chúng ta đã từng xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020 với dự kiến chi khoảng 56.000 tỉ đồng. Thành quả của những nỗ lực đó là những doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn trên thế giới như Honda, Toyota, Hyundai, Kia, GM đã có mặt ở Việt Nam và đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam, đồng thời xuất hiện thương hiệu ô tô nội địa như Vinaxuki, VinFast, Trường Hải... Nhưng sự thay đổi của kinh tế toàn cầu cũng đòi hỏi chúng ta có những chiến lược phát triển mới, tăng tỉ lệ nội địa hóa để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu. Khi mỗi ngày người Việt mua hơn 1000 chiếc ô tô, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào sự phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ

Bình luận

    Chưa có bình luận