Đâu là thực phẩm an toàn ở Việt Nam?

Người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang lo lắng bởi không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch.

Người dân mong mỏi thực phẩm sạch

Là thành phố tập trung đông dân cư, mức độ tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn Hà Nội là rất lớn. Nhu cầu thực phẩm sạch của Hà Nội đã được đặt ra trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến nay người tiêu dùng vẫn chưa an tâm với những gì mình ăn hằng ngày. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội từ đầu năm đến nay, thành phố đã thành lập 938 đoàn thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, các đoàn đã phát hiện lập biên bản, xử phạt 6.810 cơ sở vi phạm, phạt với số tiền hơn 25 tỷ đồng.

Dù vậy, thực phẩm nhưng thực phẩm bẩn vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng, đặc biệt là vào thời điểm hiện nay, khi mà số lượng các ca ngộ độc thực phẩm, mắc các bệnh mạn tính nguy hiểm, ung thư đang tăng cao. Người tiêu dùng mong muốn được sử dụng thực phẩm sạch, nhưng để mua được thực phẩm sạch lại không hề đơn giản. Chị Trần Thanh Nga, một người tiêu dùng sống tại phố Bạch Mai, Hà Nội cho rằng, người tiêu dùng chỉ biết dựa vào niềm tin và cảm quan khi mua hàng.

“Chúng tôi chỉ biết lựa chọn thực phẩm bằng cảm quan và tin tưởng người bán thôi chứ cũng không biết đâu là thực phẩm sạch hay an toàn. Tôi thường chọn mua thực phẩm của người quen bán ở chợ gần nhà và công ty, thỉnh thoảng mới đi siêu thị mua những đồ mà chợ không có. Chúng tôi cũng tin tưởng khi người bán bảo đấy là lợn, gà ở quê họ nuôi và lần sau cứ thế mua tiếp”, chị Nga cho hay.

Cần quản lý theo chuỗi thương hiệu

Trước tình trạng mất ATVSTP như hiện nay, việc sản xuất, chăn nuôi, cung ứng thực phẩm sạch cho người tiêu dùng là một yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, rau được coi là “sạch, an toàn” được bày bán có bao bì in tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, nhưng khi kiểm tra thực chất là rau được thu gom từ các nguồn trôi nổi trên thị trường. Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, cần phải minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. “Cách làm ăn của chúng ta còn manh mún, tiểu nông. Đơn cử như một nhà trồng rau vừa có loại để bán ra thị trường, vừa có loại để cho nhà ăn. Cách làm này phải xóa bỏ. Ở Nhật Bản, người nông dân bán rau dọc đường sẵn sàng dán mã số nhà của họ lên mớ rau mùi, dám khẳng định là hàng của họ. Còn ở Việt Nam, rau của ai trồng, do ai vận chuyển thì không ai biết”, ông Phú nhấn mạnh.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, tỷ lệ người được tiếp cận với thực phẩm an toàn còn rất ít, đa số là đến các cửa hàng truyền thống, chợ truyền thống, chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ mua. Do vậy, người tiêu dùng cần lựa chọn thương hiệu, địa điểm mua hàng uy tín. “Người tiêu dùng vẫn có thể tránh tối đa những sản phẩm không được an toàn khi chúng ta lựa chọn theo thương hiệu. Các điểm bán lẻ mà chúng ta có thể tin cậy, ngay cả những khu chợ truyền thống cũng vậy. Ví dụ, chúng ta mua ở những chỗ thân thiết, quen biết mà tin cậy rồi, chắc chắn chúng ta sẽ được cung cấp an toàn hơn, sạch hơn. Tuy nhiên, vẫn có thể vẫn xảy những hiện tượng nào đó, không thể không đảm bảo 100%. Nhưng quan điểm của Hiệp hội là nếu xảy ra vấn đề gì thì khi xử lý phải bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng”, bà Mỹ Loan khẳng định.

Theo các chuyên gia, chỉ có quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi mới giải quyết được các vấn đề về chất lượng sản phẩm một cách tốt nhất. Thế nhưng, tại nước ta, việc quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn vẫn chưa gắn với thị trường tiêu thụ, cùng với đó là việc quản lý chồng chéo, khâu quản, khâu không đã khiến việc truy xuất nguồn gốc không đạt hiệu quả mong muốn. Do vậy, để nâng cao công tác quản lý an toàn thực phẩm, rất cần cơ quan chức năng đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng sản phẩm từ gốc, tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo hướng an toàn nhằm bảo đảm chất lượng nông sản./.

Box: Các vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm luôn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng theo từng năm. Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong 9 tháng qua, đã có hơn 77.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, trong đó phạt tiền hơn 21.600 cơ sở, với số tiền phạt hơn 42,5 tỷ đồng.

Bình luận

    Chưa có bình luận