Năm 2019, năm thứ 4 xuất siêu liên tiếp

  • 01/01/2020 10:16:36
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Năm 2019, đánh dấu năm thứ 4 xuất siêu liên tiếp của Việt Nam. Bức tranh xuất khẩu nước ta ghi nhận nhiều điểm sáng như mức tăng trưởng, sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực…

 

 

 Năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp

Tính chung 11 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Với tiến độ như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD vào cuối tháng 12 năm 2019. Đóng góp vào con số này có một phần không nhỏ tạo thành điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam là khối doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 74,72 tỷ USD, tăng 18,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 166,7 tỷ USD, tăng 3,8%. Như vậy, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu. Với mức xuất siêu cao kỷ lục 9,12 tỷ USD trong 11 tháng và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 11 tháng tăng 7,8% so với cùng kỳ, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dự kiến năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay, năm 2019 có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD). Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt và may mặc, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, giày dép các loại. Khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô - đạt 3,8%). Qua đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29,16%).

Một điểm nhấn nữa là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.

Kết quả này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong xuất khẩu hàng hóa năm 2019, điểm đáng chú ý là khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ

Năm 2019 khép lại với xu hướng tăng trưởng tích cực của nền tảng kinh tế vĩ mô, tạo đà đi lên trong năm 2020. Tuy nhiên, sự bất định của kinh tế thế giới và khó khăn tiềm ẩn trong nội tại nền kinh tế là yếu tố cần thận trọng trong năm tới.

Tại báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam giai đoạn 2019-2020, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, tăng trưởng GDP 2019 sẽ dao động quanh ngưỡng 7,2%, lạm phát bình quân khoảng 2,78%, tăng trưởng xuất khẩu ước đạt 8,13%, cán cân thương mại vào khoảng 4,2 tỷ USD. CIEM dự báo, tăng trưởng xuất khẩu ước đạt 7,64%, cán cân thương mại vào khoảng 2,3 tỷ USD. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định, tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay là 6,6% và giảm còn 6,5% trong năm tới do tăng trưởng xuất khẩu và sản xuất nông nghiệp chậm lại.

Thị trường có nhiều biến động với diễn biến khó lường, tuy nhiên trước thềm năm mới, các doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn giữ được tinh thần lạc quan và dự báo thị trường sẽ phục hồi. Đánh giá về thị trường xuất khẩu năm 2019, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất &TM Hikari Việt Nam (KCN Đình Trám- Bắc Giang) là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, chuyên xuất khẩu tại chỗ cho các DN FDI Nhật Bản cho biết, năm 2019, là một năm khó khăn khi mà mảng nhà máy của Canon và Panasonic gặp khó, khiến đơn hàng tụt giảm, dự kiến doanh thu của công ty chỉ đạt 70 tỷ đồng, giảm 40% so với năm trước. Trong năm 2020, dự báo tình hình đơn hàng khả quan hơn, doanh thu có thể đạt 120 tỷ đồng.

Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tích cực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại mà nòng cốt là Chương trình XTTM quốc gia nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xuất khẩu, giữ vững và phát triển thị trường trong nước trong điều kiện Việt Nam tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết và đi vào thực thi. Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020 sẽ còn đối diện với các khó khăn thách thức. Bộ Công Thương sẽ tập trung các nguồn lực, tích cực triển khai các giải pháp để phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 7-8%.

Ông Nguyễn Huy Doanh, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Công nghệ Thành Thắng ( KCN Bình Xuyên- Vĩnh Phúc) chia sẻ, năm 2019, mặc dù thị trường có nhiều biến động nhưng công ty vẫn có nhiều đơn hàng, doanh thu đạt khoảng khoảng 80-100 tỷ, trong đó xuất khẩu chiếm 25%. Tăng trưởng 16% năm so với cùng kỳ, dự kiến năm 2020 sẽ tăng trưởng đạt khoảng 18-22%.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu năm 2019 dù gặp nhiều khó khăn nhưng môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cải cách trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu đã thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu. Bộ tiếp tục đẩy mạnh mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua các hoạt động đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại.

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận