Thịt lợn tăng giá cao kỷ lục: Có cần nhập khẩu?

  • 20/12/2019 03:00:00
  • Nguyễn Hằng
  • Kinh tế
  • 0

Thời gian gần đây giá thịt lợn tăng giá một cách phi mã khiến nhiều gia đình phải chật vật cân đối lại thu chi trong đời sống hàng ngày.

 

Việc thịt lợn tăng giá chóng mặt đang làm nhiều hộ gia đình “đau đầu” và tính toán chuyển sang sử dụng các thực phẩm khác trong các bữa ăn hàng ngày.

Theo khảo sát của PV VOV, hiện giá thịt lợn hơi đã cán mốc 90.000 đồng/kg, đẩy giá thịt thành phẩm lên cao tới 180.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với tuần trước. Tại các khu chợ dân sinh, thịt ba chỉ có nơi tăng tới 200.000 đồng/kg, sườn thăn giá 190.000 đồng/kg… Còn tại các siêu thị, giá sườn non loại 1 là 200.000 đồng/kg, nạc thăn 180.000 đồng/kg... tăng giá đã khiến sức mua của mặt hàng thịt lợn giảm.

Trước tình trạng thịt lợn tăng giá, nhiều người cũng tỏ ra lo ngại khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng cao do nhu cầu sử dụng nhiều so với hàng ngày. Thịt lợn tăng sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá, đồng thời ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân.

Theo nhiều người dân chia sẻ, một tháng trở lại đây thịt lợn tăng giá cao, nhiều gia đình phải tính toán để chuyển sang thực phẩm khác. Nhiều gia đình cũng chỉ có lượng tiền nhất định để chi cho các bữa ăn hàng ngày bây giờ bị chênh lên nhiều quá.

Một chủ hộ gia đình chia sẻ: "Gia đình chúng tôi thời gian trước 100.000 đồng thịt lợn ăn được hai bữa, bây giờ giá tăng cao chỉ ăn được một bữa. Thịt đắt thế này phải mua ít đi và ăn món khác không ăn thịt lợn nữa. Gia đình chuyển sang vịt, ngan, cá… việc tăng giá này rất ảnh hưởng do nguồn thu nhập của gia đình thấp buộc chúng tôi phải hạn chế trong chi tiêu".

Hiện giá thị lợn đã tăng rất cao so với nhiều năm qua và dự báo từ nay đến Tết giá thịt lợn hơi sẽ tiếp tục tăng đến 100.000 đồng. Ngoài nguyên nhân thiếu thịt do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi bùng phát, không thể tái đàn tại vùng dịch thì các chuyên gia kinh tế đặt vấn đề có hay không việc các công ty cố tình găm hàng làm mất cân đối cung cầu đẩy giá tăng cục bộ ảnh hưởng chung tới thị trường.

Thịt lợn tăng giá khiến sức mua giảm.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú nêu ý kiến: "Về nguyên nhân tăng giá thịt lợn trong mấy tháng gần đây là do vấn đề cung cầu, cùng với đó là các công ty chăn nuôi lớn ở phía Nam găm hàng, giao hàng nhỏ giọt… đây là những hiện tượng góp phần vào việc đẩy giá thịt lợn lên cao. Do đó yêu cầu đặt ra là phải làm cho lưu thông thông suốt và thực hiện đúng chủ trương của nhà nước là không đầu cơ găm hàng lợi dụng việc tăng giá".

Trước tình trạng giá thịt lợn tăng phi mã, giải pháp trước mắt là phải vận động người dân, các trang trại… không găm hàng, bán nhỏ giọt để đẩy giá lên một cách vô lý. Giảm bớt những chi phí trung gian không để cho các thương lái lợi dụng đẩy giá thành lên. Đối với kênh phân phối phải tổ chức rộng rãi niêm yết giá để các cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn. Tiếp tục tái đàn để năm 2020 giá lợn dần dần đi xuống.

Giá thịt lợn tăng cao Chính phủ quyết định cho nhập khẩu lợn, tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nhập khẩu phải đảm bảo đúng chất lượng, tránh hiện tượng nhập khẩu thịt lợn gần hết hạn sử dụng ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân.

Cũng theo chuyên gia Ngô Trí Long để giải quyết tình trạng tăng giá thịt lợn thì xã hội phải vào cuộc quyết liệt: "Bên cạnh đó ngành chăn nuôi có biện pháp tái đàn lợn một cách có hiệu quả, tránh dịch. Cùng với đó, Cục Quản lý giá- Bộ Tài chính phải vào cuộc trong trường hợp ép giá, nâng giá lên thì phải có biện pháp can thiệp. Các doanh nghiệp phải thể hiện vai trò của mình để góp phần bình ổn giá thịt lợn. Đồng thời, người tiêu dùng phải tính toán hiệu quả, chuyển sang dùng các sản phẩm khác như thịt bò, thủy sản, hải sản, gia cầm. Cả xã hội cùng góp công sức và thì mới bình ổn giá".

Theo tính toán, thịt lợn là cấu thành quan trọng trong nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân, chiếm trên 40%. Điều này cho thấy thịt lợn là nguồn thực phẩm chính trong các cơ cấu bữa ăn hàng ngày./.

Nguyễn Hằng/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận