Không biết tự bao giờ, trong suy nghĩ của đông đảo người tiêu dùng, hàng Việt dường như ở một phẩm cấp thấp hơn so với hàng hóa các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ… Thế nên, hàng hóa Việt phải có mức giá thấp hơn hẳn mới dễ tiêu thụ.
Chính vì vậy, khi VinFast ra mắt ô tô và xe máy điện, một bộ phận người tiêu dùng đã nhanh chóng so sánh: giá như vậy đắt tương đương xe Nhật, xe Hàn hạng trung, xe máy điện thì đắt hơn các loại xe máy điện thông dụng nhập từ Trung Quốc đang bán trên thị trường. “Thế thì làm sao mà bán được!” đã là câu cảm thán của nhiều người tiêu dùng khi bình luận về mức giá này.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, lượng tiêu thụ của các loại xe này ngày một gia tăng và người sử dụng xe VinFast đã có nhiều nhận xét tích cực về dòng xe thương hiệu Việt này. Đã có những khách hàng tiếc nuối khi không kịp đặt mua xe thời điểm mới ra mắt để được hỗ trợ giá. Đồng thời, để giải đáp những khúc mắc của người tiêu dùng, VinFast cũng công khai giá thành xe ô tô.
Một ví dụ khác là nước hoa Miss Saigon. Đã từng bị chê là “cũ kỹ” với mẫu vỏ chai thiếu nữ mặc áo dài và mùi hương nồng nàn cổ điển, Miss Saigon của Công ty mỹ phẩm Sài Gòn SSC đã liên tục được đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung để chinh phục không chỉ các khách hàng muốn mua quà tặng mà cả những người sành nước hoa trong nước, dù giá bán không hề rẻ, tương đương với nhiều loại nước hoa xách tay đang được bày bán trên thị trường.
Câu chuyện của xe VinFast, nước hoa Miss Saigon và trước đó là nhiều thương hiệu khác… cho thấy, hàng Việt khi khẳng định được chất lượng thì dù mức giá không rẻ hơn hàng cùng loại của các thương hiệu nước ngoài cũng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận. Thậm chí, những doanh nghiệp tự tin với sản phẩm của mình, cả về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, tính an toàn của nguyên phụ liệu thì ngay từ khi ra mắt sản phẩm đã xác định giá bán tương xứng với giá trị. Điều quan trọng là chất lượng và giá trị phải được kiểm chứng qua quá trình sử dụng của người tiêu dùng, duy trì ổn định qua nhiều đời sản phẩm và mọi thông tin đều phải minh bạch. Nếu không, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng mất đi lượng khách hàng đã gây dựng được thời gian đầu.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, số lượng người tiêu dùng ở tầng lớp trung lưu tại Việt Nam từ 2,6 triệu người năm 2012 tăng lên 10 triệu người năm 2020. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Việt Nam được duy trì ở mức trên dưới 7%. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng Việt có khả năng chi trả nhiều hơn cho những sản phẩm chất lượng với mức giá tương xứng. Quan trọng là sự khẳng định mình của chính doanh nghiệp và sản phẩm Việt.