Sản phẩm OCOP đạt chất lượng 4 - 5 sao nhưng ít người biết đến

  • 18/12/2019 10:00:00
  • Nguyễn Quỳnh
  • Kinh tế
  • 0

Nhiều nhà phân phối cho biết để tìm kiếm thông tin của các sản phẩm OCOP là việc cực kỳ khó khăn khi nhà sản xuất chưa chủ động cung cấp.

 

Thời gian qua, Chương trình OCOP đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng; trong đó có nhiều sản phẩm thuộc hạng 4 sao, 5 sao. Mặc dù vậy, nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng chỉ được biết đến ở địa phương mình, chưa được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và thu hút được sự quan tâm của du khách nước ngoài. Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất hiện nay của sản phẩm OCOP vẫn là vấn đề nhà sản xuất liên kết với nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm nhiều nhưng thông tin ít

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận xét, do còn có những thách thức từ quy mô sản xuất, cạnh tranh gay gắt trong thị trường lớn và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, cho nên đầu ra các sản phẩm nông sản nói chung, đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc do những tồn tại từ nội tại sản phẩm và cả những lý do khách quan.

“Hầu hết các sản phẩm, dịch vụ OCOP đều có khả năng, dư địa phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa, việc tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm OCOP là yêu cầu bức thiết và vô cùng quan trọng. Việc ban hành các tiêu chí sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, các sản phẩm có lợi thế của địa phương” bà Nga cho biết.

Là đơn vị đã đưa được nhiều sản phẩm OCOP lên các chuyến bay để giới thiệu, quảng bá cho hành khách tham gia hàng không, bà Trần Thanh Hà, Phó trưởng phòng tiêu chuẩn, Ban dịch vụ hành khách, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) cho biết, với dự án “Bốn mùa hoa trái – Bốn mùa yêu thương” đã trở thành thương hiệu của VNA trong những năm gần đây.

Theo đó, VNA đã chủ động tìm đến các vùng miền trong nước để sưu tầm được 52 loại trái cây, sau đó chế biến và đưa lên các chuyến bay của VNA. Cũng qua dự án này, VNA đã xây dựng được kế hoạch cho từng chu kỳ phục vụ các sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền và điều này đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía các hành khách.

Tuy nhiên theo bà Hà, hiện vẫn còn nhiều các sản phẩm OCOP của Việt Nam còn chưa được nhiều người biết đến, ngay cả người Việt Nam chứ không nói đến người tiêu dùng nước ngoài. Bởi lẽ, việc xúc tiến quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP còn có nhiều hạn chế, nhà cung cấp và nhà phân phối nhiều khi còn rất thiếu thông tin của nhau.

“Con đường hình thành được chuỗi tiêu thụ sản phẩm OCOP của VNA dù đã thành công bước đầu nhưng quá trình này cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế là vì sản phẩm OCOP nên một số nhà cung cấp không thể đáp ứng được số lượng cũng như quy trình vận chuyển, giao nhận… Điều đáng nói là mỗi khi nhà phân phối cần tìm kiếm sản phẩm OCOP vẫn rất thiếu rất nhiều thông tin về các đặc sản của các tỉnh, thành của Việt Nam, hoàn toàn không có hướng dẫn hay có sự chủ động liên kết từ các nhà cung cấp”, bà Hà nhận xét.

Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành còn chưa được người tiêu dùng biết đến.

Cần nhiều hơn hoạt động kết nối

Nhằm phát triển thị trường, đẩy mạnh đầu ra cho các sản phẩm OCOP, từ năm 2019, Bộ Công Thương đã xây dựng hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước; đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất. Bộ Công Thương cũng đã tổ chức các Hội nghị kết nối các sản phẩm nêu trên vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, vào các hệ thống phân phối trên địa bàn cả nước.

Theo bà Nga, thông qua các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm từ Chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài. Việc này không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương; Tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, theo bà Nga, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển thị trường trong nước, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt.

“Điều này tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền khác nhau đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác”, bà Nga nói.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương thì cho rằng, cần xác định rõ đối với nhóm sản phẩm OCOP là nhóm sản phẩm đặc thù, đặc sản của từng vùng miền. Quan trọng hơn cả, đằng sau sản phẩm OCOP là câu chuyện và là cái hồn văn hóa của nông thôn Việt Nam được kết tinh trong giá trị của sản phẩm.

Do đó, việc xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP không phải là trên quy mô lớn như những nhóm sản phẩm chủ lực cấp Quốc gia là sản phẩm tiêu dùng đại trà; hay như nhóm sản phẩm cấp tỉnh có quy mô lớn do các tập đoàn lớn đang đảm trách./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận