Tháng 9/2009, lần đầu tiên trái phiếu Chính phủ (TPCP) trở thành một “hàng hóa” và được giao dịch qua Sở Giao dịch chứng khoán hà Nội. Đến nay, sau 10 năm, con đường “thị trường hóa” TPCP đã rộng mở hơn và trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển hiệu quả.
Sau 10 năm, quy mô của thị trường TPCP đến hết tháng 11/2019 bằng 25,1% GDP năm 2019, gấp 12 lần so với năm 2009 với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng gần 9.000 tỷ đồng/phiên, tăng khoảng 24 lần so với năm 2009. Sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai TPCP bắt đầu hoạt động từ tháng 7 năm 2019 bổ sung thêm cho nhà đầu tư một công cụ phòng vệ rủi ro.
“Thị trường hóa” đối với TPCP giúp hoạt động của thị trường này được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế từ khâu công bố kế hoạch phát hành, sản phẩm hàng hóa, phương thức và quy trình phát hành đến đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch trên thị trường thứ cấp. Nhờ đó, thị trường TPCP Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong thập kỷ vừa qua. Đây là mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á.
Trong giai đoạn 2009-2019, kênh phát hành TPCP đã huy động được 1,96 triệu tỷ đồng cho NSNN, bình quân đạt khoảng 175 nghìn tỷ đồng/năm. Đồng thời, công tác phát hành TPCP đã gắn kết với việc tái cơ cấu nợ Chính phủ, thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài khi thị trường thuận lợi, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư. Việc tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài với chi phí huy động vốn hợp lý đã tạo điều kiện cho Chính phủ tăng vay nợ tại thị trường trong nước, giảm vay nợ nước ngoài.
Đến cuối tháng 11 năm 2019, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các nhà đầu tư dài hạn đạt 55% (tăng 35% so với cuối năm 2009), trong khi của các ngân hàng thương mại giảm xuống mức 45% và TPCP đã trở thành công cụ hỗ trợ NHNN điều hành chính sách tiền tệ thông qua nghiệp vụ thị trường mở, hoạt động tái cấp vốn.
Chủ trương của Chính phủ trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là phát huy nội lực, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh nhu cầu huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội tiếp tục ở mức cao, nguồn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giảm, mục tiêu đặt ra là phát triển thị trường TPCP để làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu và thị trường tài chính; TPCP trở thành công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả, có tính thanh khoản cao. Để làm được điều này thì còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy sự phát triển của thị trường TPCP, như phát triển thị trường sơ cấp, thứ cấp, phát triển cơ sở nhà đầu tư, gắn kết chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ… đặc biệt là tăng cường cơ chế đối thoại về chính sách và điều hành giữa cơ quan quản lý nhà nước và thành viên của thị trường để tăng tính minh bạch, công khai, chuyên nghiệp của thị trường./.