Chuỗi cung ứng lạnh: Rào cản của nông sản Việt

  • 28/11/2019 06:00:36
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Hạn chế về năng lực lưu kho và chuỗi cung ứng lạnh phục vụ nông sản sau thu hoạch...

 

Được mùa rớt giá, phải giải cứu luôn là nỗi ám ảnh đối với nông sản Việt. Một trong những nguyên nhân quan trọng là hạn chế về năng lực lưu kho và chuỗi cung ứng lạnh phục vụ nông sản sau thu hoạch.

Từ vườn ra “chợ nhà”...

Bắt đầu từ cuối tháng 10 cam Cao Phong, Hòa Bình vào chính vụ thu hoạch. Khi ấy cam mới đủ ngọt, đủ thơm và mọng nước. Tuy nhiên, ít nhà vườn nào chờ đến thời điểm này mới thu hoạch. Từ giữa tháng 9, mặc dù cam còn chua nhưng các nhà vườn đã bắt đầu hái và đưa ra thị trường, bởi lẽ khi cam vào chính vụ đạt đến độ chín muồi về chất lượng thì thời gian thu hoạch không còn dài, sản lượng nhiều, gía đã rẻ lại thêm nhiều nỗi lo như ế hàng, hàng bị hư hỏng do không tiêu thụ kịp…

Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong với sản phẩm "cam - quà tặng cao cấp gắn với chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ vì môi trường sống xanh" đã được tỉnh Hòa Bình lựa chọn là sản phẩm OCOP năm 2019. Hợp tác xã hạn chế sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc diệt cỏ, khuyến khích sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ vào sản xuất để cho ra đời những trái cam an toàn. Để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong không chỉ chú trọng khâu sản xuất, chăm bón mà còn liên kết với trường Đại học Bách khoa Hà Nội để lắp đặt mô hình rửa, phân loại, xử lý bọc màng sinh học bảo quản sản phẩm và dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc... Mặc dù hoàn thiện về quy trình sản xuất, nhưng khâu bảo quản sau thu hoạch vẫn là trăn trở của bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong. Mong muốn giữ lại sản lượng cam khi ngon hẳn mới thu hoạch, nhưng bà Thủy cũng “lực bất tòng tâm” bởi Hợp tác xã không đủ vốn để đầu tư kho lạnh.

“Đấy là chưa kể đến có năm cam chín đúng đợt phùn kéo dài cả tuần, nhu cầu tiêu thụ kém, thương lái dừng thu mua, cam chín rụng bạt ngàn. Người nông dân trồng cam xót ra lắm nhưng không biết làm thế nào. Nhà nước có thể hỗ trợ xây dựng các kho bảo quản để người nông dân đỡ khổ”.Chị Thủy tâm sự.

Được biết, sản lượng cam của toàn huyện Cao Phong ước tính khoảng 35.000 tấn mỗi năm và bán tươi tự nhiên hoàn toàn, rủi ro lớn nếu gặp bất trắc về thị trường, thời tiết. Và chuyện thương lái ép giá luôn là nỗi thắc thỏm của bà con. Thực trạng này không chỉ đối với cam Cao Phong mà đang là bức tranh chung của nông sản Việt.

...đến “chợ thế giới”

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm 2019 đạt 3,1 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kì năm 2018. Nhiều loại rau quả nông sản dù khâu canh tác đảm bảo quy trình nghiêm ngặt, được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, nhưng vì vận chuyển bằng những xe tải hở, vi sinh vật nhiễm vào sản phẩm trên đường đi, gây mất an toàn thực phẩm, tỷ lệ hư hỏng lên tới 35% đối với quả và 40% đối với rau. Điều này dẫn đến chất lượng không đảm bảo theo đúng hợp đồng ký hết gây ra nhiều hệ lụy như: sản phẩm bị từ chối nhập khẩu, bị trả về, thậm chí cưỡng bức tiêu hủy ngay tại cảng nhập, đồng thời doanh nghiệp bị cấm xuất khẩu vào thị trường này trong một thời gian hoặc vĩnh viễn....

Cần đầu tư chuỗi cung ứng lạnh bài bản để nâng cao giá trị nông sản

Theo đánh giá, những chuỗi liên kết nông sản hiệu quả chưa cao do dịch vụ logistics đảm nhiệm việc đóng gói, bảo quản lạnh và vận chuyển nông sản từ ruộng của hộ nông dân đến kho hợp tác xã; từ kho hợp tác xã đến kho của doanh nghiệp, và từ kho của doanh nghiệp ra "chợ thế giới". Phát biểu tại diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2019, ông Nguyễn Quốc Toản, Tiến sĩ, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, năng lực lưu kho và chuỗi cung ứng lạnh ở nước ta còn hạn chế. Chuỗi cung ứng dịch vụ logistic phân bố manh mún ảnh hưởng đến phát triển nông sản”.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, nông sản là ngành đặc thù vì mang tính thời vụ cao, dễ hư hỏng. Do vậy, khâu bảo quản kho bãi phải thực hiện tốt, khâu lưu thông đến người tiêu dùng phải nhanh, có như vậy giá trị nông sản mới cao. Theo ông Trần Thanh Hải, cả nước hiện có 4.000 DN logistics, trong đó hơn 70% DN nhỏ, và chỉ có 700 xe lạnh. Cả nước cũng có 83 chợ đầu mối, nhưng chẳng chợ nào có kho bảo quản nông sản. Đồng bằng sông Cửu Long vựa nông nghiệp cả nước nhưng chỉ có 6 kho bãi, dưới 10ha. Còn tại biên giới phía Bắc thì chưa có kho lạnh và bãi tập kết. Điều này có nghĩa là số lượng hàng hóa được vận chuyển trong điều kiện tiêu chuẩn rất hạn chế và nông sản bị ùn ứ quá lâu chỉ còn cách bỏ đi.

Cần có sự đầu tư đứng mức

Ông Trần Thanh Hải cho rằng các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy coi chuỗi doanh nghiệp là chuỗi giá trị gia tăng chứ không chỉ đơn giản là chuỗi chi phí.

Theo đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần chú ý cải thiện hệ thống dịch vụ. Cần đầu tư hệ thống xe lạnh bài bản, trang bị đầy đủ công nghệ thông tin logistics để giúp các bên trong chuỗi có thể kiểm soát nhiệt độ và theo dõi tình trạng hàng hóa trong suốt quá trình vận chuyển của xe lạnh, kịp thời xử lý mọi vấn đề phát sinh.

Nhiều doanh nghiệp nông sản cho rằng, rất cần các kho hàng tiêu chuẩn dành cho hàng nông sản được xây dựng ở những vị trí kết nối trực tiếp với nhà ga, cảng lớn có trung tâm kiểm nghiệm, để tiện việc đóng gói, sơ chế, xuất khẩu và giám định chất lượng sản phẩm.

Đồng quan điểm, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Lo-gistics VN cho rằng, trước tiên cần tạo điều kiện trong việc đầu tư hoàn thiện cung ứng trong công nghệ logistics đối với chuỗi lạnh nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao giá trị cho nông sản. Cần đảm bảo tỷ lệ lưu trữ lạnh lên tới 35% tất cả hàng hóa.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận